Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đẩy mạnh khơi thông kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 diễn ra ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có những chia sẻ về thực tế triển khai các chính sách về thuế, phí và tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu cho doanh nghiệp.
Về định hướng điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian vừa qua trước những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, biến động của tình hình kinh tế, tài chính thế giới, khu vực và trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính sách tài khóa, tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm. Chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong những năm qua là lớn chưa từng có, với tổng giá trị lên đến trên 8,3% GDP. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế.
Trong tổng thể đó, chính sách tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng. Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách về miễn, giảm, giãn thuế. Cùng với việc miễn, giảm, giãn thuế, Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều giải pháp về cải cách hành chính, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin như hóa đơn điện tử, cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế và hải quan. Trong hoàn thuế, đã thực hiện các thủ tục thông qua hệ thống điện tử đến khoảng 90%. Có đến 80% các hồ sơ hoàn thuế hiện tại đang được phân loại theo nhóm hoàn trước và kiểm sau, thực hiện thủ tục trong vòng 6 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp.
Ông Võ Thành Hưng cũng cho hay trong lĩnh vực chi cũng đã thực hiện các hoạt động tăng chi, kích cầu hiện đang chúng ta cũng đã thực hiện các hoạt động tăng chi để kích cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, qua đó phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giúp tăng trưởng kinh tế. Từ đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm sáng của kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Để khơi thông kênh chứng khoán, trái phiếu để thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết: "Khi nói đến kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, chúng ta nói kênh tín dụng đang chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, nếu tính quy mô thị trường chứng khoán và quy mô thị trường trái phiếu hiện tại, thì các kênh này gần tương đương nhau. Riêng kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian vừa qua chịu tác động của những biến cố trong thị trường này.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức các buổi tọa đàm gặp gỡ doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kết nối họ với nhau, tạo thông tin thông suốt, tránh tâm lý hoang mang trên thị trường.
Cũng trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng thiết lập kênh giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đến nay đã có khoảng hơn 1.600 mã doanh trái phiếu doanh nghiệp đang được giao dịch trên thị trường với quy mô giao dịch hằng ngày vài ngàn tỷ đồng. Đây là kênh quan trọng để tạo sự thanh khoản trên thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường và củng cố niềm tin cho thị trường, giúp thị trường này phát triển. Thị trường có định hướng phát triển đúng, chúng ta sẽ phát triển thị trường vốn dài hạn thông qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu thay vì thị trường tín dụng mang tính ngắn hạn".
Về việc triển khai các chính sách tài khoá từ Nghị quyết số 43, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết 43 có thể nói là một giải pháp hết sức quan trọng mà Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với khó khăn cùng với doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch Covid -19 và những biến động của thị trường kinh tế trong nước và thế giới.
Ngay sau khi Nghị quyết 43/2022/QH15 được Quốc hội ban hành, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó về chính sách tài khóa, trong vòng mười mấy ngày sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Kể từ đó đến nay, trong năm 2022, chúng ta đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp khoảng 200.000 tỷ đồng và năm 2023 chúng ta tiếp tục thực hiện khoảng 200.000 tỷ đồng nữa.
Một chính sách nữa triển khai tương đối khá trong thời gian vừa qua là chính sách tín dụng hỗ trợ cho các hộ nghèo và người lao động thông qua Ngân hàng chính sách. Chúng ta thực hiện giải ngân được khoảng 60-70 % quy mô mà Quốc hội đã quyết. Đối đầu tư công trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã triển khai. Tuy nhiên tiến độ còn chậm so với yêu cầu. Quốc hội cũng đã có những giải pháp để cho phép Chính phủ điều chỉnh linh hoạt vốn của Chương trình phục hồi kinh tế và vốn ngân sách nhà nước để thúc đẩy giải ngân các khoản chi này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Một chính sách nữa là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp 2% đang triển khai hết sức chậm. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự mặn mà đối với chính sách này. Do lo ngại rằng việc triển khai thực hiện có thể dẫn tới việc kiểm tra, kiểm soát sau này của các cơ quan chức năng.