Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, doanh nghiệp phải thay đổi
Thị trường Trung Quốc đã thay đổi như thế nào?
Thông tin về quy định của thị trường Trung Quốc tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu tổ chức ngày 7/12, TS. Phan Thị Thu Hiền, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
"Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc", đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin.
Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Cụ thể, phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống, hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS) Việt Nam thông tin, sau gần 1 năm Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", tính đến ngày 05/12, 2.426 mã sản phẩm của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...
Đối với các khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, đại diện Văn phòng SPS lưu ý phần mềm https://cifer.singlewindow.cn vừa vận hành vừa nâng cấp, các doanh nghiệp cần thường xuyên đăng nhập và cập nhật thông tin. Việc đăng ký online trên hệ thống đăng ký của Hải quan Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ và ngoại ngữ (tiếng Trung Quốc/tiếng Anh).
Một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy trình, quy định đăng ký doanh nghiệp theo hình thức online. Ngoài ra, còn một vướng mắc như thao tác khai báo thông tin trên hệ thống sai lệch hay tài khoản tự mở không thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt định danh nên bị ảnh hưởng khi làm thủ tục thông quan. Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn nêu một thực tế, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248, 249 nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan.
Đặc biệt, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn nhận được phản ánh, một số cá nhân nhận ủy quyền làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. UBND tỉnh Lạng Sơn đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra vụ việc.
Minh bạch trong đăng ký, giám sát mã số vùng trồng
Đại diện Công ty Cổ phần Nafoods Group chia sẻ, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Khi ngành nông nghiệp tiếp cận và triển khai Lệnh 248, 249, Nafoods Group đã chủ động tiếp cận thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Cục Trồng trọt và các chi cục để xúc tiến liên kết, phát triển vùng trồng, đảm bảo quản lý an toàn phục vụ xuất khẩu. Nafoods đã thiết lập 600 ha sản xuất chanh leo an toàn. Mục tiêu đến năm 2023, có thể đạt diện tích 2.000 ha có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Ngay tuần này, Nafoods sẽ có container đầu tiên xuất khẩu chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong những năm qua, chanh leo là cây trồng có hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, diện tích trồng chanh leo tại Việt Nam hiện nay khá manh mún, chỉ khoảng 2.000 ha, phân tán tại các vùng, chính vì vậy khâu quản lý và cấp mã vùng trồng gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế đó, Nafoods đề xuất quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh cây chanh leo, có lộ trình quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cho chanh leo. Cần cập nhật tài liệu hướng dẫn chi tiết để giải đáp các câu hỏi của nông dân trong quá trình sản xuất chanh leo.
Cần giải pháp hỗ trợ nông dân để duy trì mã số vùng trồng, tránh phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp và sự "chỉ việc dắt tay" của các doanh nghiệp. Số hóa vùng trồng chanh leo. Với đặc điểm luân canh và thay đổi vùng trồng thường xuyên nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu là điều cần thiết để phục vụ duy trì mã số vùng trồng.
Bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ: Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã cấp 38 mã số vùng trồng. Sở NN&PTNT đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ tập huấn cho cán bộ địa phương, người dân thực hiện đúng những nội dung yêu cầu theo quy định.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang xây dựng hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng mã số vùng trồng để người dân làm căn cứ thực hiện. Trên cơ sở đó, bà Định kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, Sở đã tập trung phổ biến cho các cơ quan, đơn vị nội dung thực thi, yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc. "Năm 2022, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số tại địa phương đã tăng vượt bậc với 28 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói", ông Nhơn thông tin.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai Lệnh 248, 249 tại địa phương, địa diện Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay công tác triển khai, thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, việc cấp mã số gặp khó khăn, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn đưa ra đề xuất các địa phương cùng Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng bảo đảm chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc.