Thiếu tướng-doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ TT-TT
Một người thông minh và quyết đoán
Được biết đến là một người thông minh và quyết đoán, ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1962 tại Phú Thọ. Năm 1979 ông đã thi đỗ vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, khóa 14 và đạt kết quả học tập xuất sắc. Ông được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học kỹ sư quân sự tại Liên Xô và tốt nghiệp Kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ).
Ông còn là thạc sĩ viễn thông ở Australia, chương trình đào tạo sau đại học, trường Đại học Tổng hợp Sydney, Australia và thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Hùng là một trong những người đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều động về Viettel từ những ngày đầu thành lập (năm 1989). Ông giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển. Đến năm 2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội và giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel từ 1/2010.
Ông được phong quân hàm Thiếu tướng vào năm 2012.
Ngày 1/3/2014, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Ông Hùng đồng thời là Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội.
Hồi giữa tháng Sáu năm nay, ông Hùng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội Viettel.
Triết lý thành công “Cho đi trước khi nhận lại”
Hơn 20 năm làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng và cộng sự đã đưa Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.
Ông và cộng sự đã đưa Viettel liên tục bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều thị trường trên thế giới, sở hữu khoảng 100 triệu khách hàng, trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như ngành Công nghiệp Điện tử viễn thông, ngành Công nghiệp Vũ khí công nghệ cao, ngành Công nghiệp An ninh mạng…
Ông Hùng nổi tiếng với triết lý đầu tư từ những năm 2015: "Cho đi trước khi nhận lại". Ông phát biểu như vậy tại buổi lễ khai trương mạng di động Viettel Tanzania với thương hiệu Halotel vào tháng 10/2015. Người đứng đầu Viettel cam kết phủ sóng cho ít nhất 4.000 ngôi làng trắng viễn thông tại quốc gia châu Phi, đảm bảo có kết nối 3G vào năm 2017.
Cũng trong năm đó, Viettel đánh dấu kỷ niệm 10 năm đầu tư quốc tế, ông Hùng đã có phát ngôn gây ấn tượng khi nói rằng: “Đo thành công bằng đóng góp thay vì lợi nhuận”. Theo hàm ý của ông, sự thành công không chỉ dựa trên con số doanh thu hay lợi nhuận mà phải giải quyết được các vấn đề của xã hội.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn được bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ, trong giai đoạn 2000-2009.
Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 28 năm ngày thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), ông Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi bức "tâm thư" gửi đến đại gia đình Viettel có sức lay động và đầy truyền cảm. Ông nói rằng: "Ngày mai sẽ luôn khó khăn hơn ngày hôm nay" và "nếu hiểu quy luật ấy thì sẽ biết ơn những mục tiêu cao, sức ép lớn, thay đổi liên tục mà mỗi người Viettel luôn phải đối diện hàng ngày".
Trong tháng 6 năm nay, đến thăm và làm việc với Viettel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: "Viettel là một ví dụ điển hình của doanh nghiệp Nhà nước nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia, có cán bộ tốt, có cơ chế động lực tốt thì sẽ phát triển tốt. Đất nước cần nhiều Viettel hơn nữa. Chúng ta muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì phải phát triển công nghệ và Viettel là ví dụ điển hình khích lệ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.
Chủ tịch Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin, mục tiêu của Viettel tới năm 2020 là trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, toàn cầu, hùng mạnh với tăng trưởng 10-15%/năm. Viettel đặt ra chỉ tiêu sẽ đạt doanh thu từ 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.