Thịt lợn: Món bình dân thành đắt đỏ, hàng Nga - Mỹ đổ về Việt Nam
Thịt lợn là một trong những mặt hàng tiêu dùng được quan tâm nhất trong năm 2020, khi mà nguồn cung không đủ, giá thịt lợn "thi nhau nhảy múa" và trở thành mặt hàng xa xỉ trong mỗi bữa ăn hằng ngày.
Sau một năm quay cuồng trong “bão giá thịt lợn”, dịp cuối năm người dân không còn phải ăn thịt gà, vịt, trứng, cá... thay bữa, cũng không còn phải “lên tivi mà mua” như hồi giữa năm. Các bà nội trợ có thể tự tin ra mua 5 lạng, 1kg thịt lợn khi giá về gần “đúng chuẩn”.
Đắt đỏ nhất lịch sử
Thời điểm cuối 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) dần được khống chế, song việc phải tiêu huỷ khoảng 6 triệu con lợn đã khiến khủng hoảng nguồn cung lớn chưa từng có, giá cả theo đó tăng vọt.
Cận tết Nguyên đán 2020, cơn sốt giá thịt lợn mới chỉ bắt đầu. Sau Tết “bão giá thịt lợn” mạnh hơn bao giờ hết. Từ 40.000-50.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng ở thời điểm trước khi xảy ra DTLCP, đến tháng 2/2020, vọt lên 80.000 đồng/kg.
Trước đà tăng giá phi mã, thậm chí tăng từng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hạ giá thịt lợn xuống mức 75.000 đồng/kg.
Đáp lại, một số doanh nghiệp chăn nuôi đã giảm giá lợn hơi xuất chuồng về mức 72.000-75.000 đồng/kg. Song, chỉ khoảng hai tuần sau, giá mặt hàng này lại bật tăng mạnh, lên 80.000-85.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên 88.000 đồng/kg.
Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phải làm việc với 15 "ông lớn" ngành hàng thịt lợn để ra biện pháp mạnh đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg. Tại cuộc họp, 15 đơn vị này hứa từ 1/4 sẽ giảm giá lợn về mức 70.000 đồng/kg.
Trên thực tế, chỉ có ít doanh nghiệp chịu giảm, trong khi giá lợn trong dân (hộ nuôi nhỏ lẻ) vẫn cao ngất ngưởng. Thậm chí, tháng 5 năm nay, thị trường ghi nhận giá thịt lợn hơi cao nhất lịch sử, vượt qua mốc 100.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp chăn nuôi, sau một thời gian giữ ở mức giá hợp lý, cũng đành phá bỏ cam kết để bán thịt lợn theo giá thị trường.
Giá lợn hơi xuất chuồng tăng kéo giá thịt lợn tại chợ, siêu thị cũng tăng. Từ 80.000-100.000 đồng/kg tuỳ loại (cuối năm 2018), tới giữa năm nay lên 150.000-200.000 đồng/kg, một số loại còn tăng lên 300.000 đồng/kg, đắt gần gấp đôi thịt ba chỉ bò Mỹ.
Từ xưa tới nay, thịt lợn đã gắn liền với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi mùa trong năm. Theo thống kê, mỗi năm người Việt tiêu thụ 5,4 triệu tấn thịt, trong đó có 3,8 triệu tấn thịt lợn, chiếm 70%.
Bởi vậy, khi giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng đến túi tiền và bữa cơm của hàng chục triệu gia đình. Tính trung bình, một người Việt tiêu thụ 40kg thịt lợn/năm, tương đương 3,3kg/tháng. Nếu giá thịt lợn mảnh bình quân là 180.000 đồng/kg, thì mỗi tháng, một người bỏ ra 600.000 đồng để mua thịt lợn. Một gia đình 4 người, số tiền bỏ ra là 2,4 triệu đồng - một khoản tiền khá lớn.
Trong khi đó, thu nhập của người dân giảm mạnh do tác động của dịch bệnh. Việc thịt lợn tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của các hộ gia đình.
Theo đó, để không hụt chi, không bị âm tiền chợ, những bữa cơm có thịt lợn bị cắt giảm dần. Nhiều gia đình, thay vì ngày nào cũng ăn thịt lợn, thì tuần chỉ dám ăn 2-3 bữa, với lượng vừa đủ. Có bà nội trợ tâm sự, khi giá thịt lợn quá đắt đỏ, cả tháng trời cả nhà chỉ ăn gà vịt, trứng và cá. Cay đắng hơn, nhiều người ra chợ hỏi mua thịt lợn giá rẻ khi hay tin mặt hàng này hạ nhiệt thì nhận được câu trả lời phũ phàng của dân buôn: “Lên tivi mà mua”. Cứ thế, món thịt lợn dần vắng bóng trong bữa cơm của nhiều gia đình.
Số liệu từ Tổng cục thống kê, CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019. Nguyên nhân là do một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23%.
Nhập hàng Nga - Mỹ, ép giá trong nước
Thịt lợn tăng giá ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của chục triệu hộ gia đình. Thế nên, Bộ NN-PTNT đã đưa ra những quyết sách nhằm bình ổn giá mặt hàng này. Biện pháp đầu tiên là tái đàn, tăng đàn lợn trong nước. Cách này gặp khó khăn nhưng là giải pháp căn cơ và bền vững.
Cách tăng nguồn cung tiếp theo là đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan,... Giữa tháng 3/2020, Bộ NN-PTNT còn trực tiếp kết nối cho các doanh nghiệp nhập khẩu từ tập đoàn cung ứng thịt lợn lớn nhất của Nga.
Ngay sau đó, thịt lợn nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, được rao bán tràn ngập “chợ mạng”, siêu thị với giá bán rẻ bằng một nửa so với thịt lợn trong nước.
Giữa tháng 6, Bộ NN-PTNT chính thức cho nhập khẩu hàng Thái Lan về Việt Nam giết mổ. Giá lợn hơi ở Thái Lan khi đó chỉ 55.000 đồng/kg, các doanh nghiệp ồ ạt đăng ký nhập lợn sống, góp phần hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong vòng 9 tháng năm 2020, nước ta đã nhập khẩu 90,4 nghìn tấn thịt lợn (tươi, đông lạnh), trị giá gần 215 triệu USD, tăng tới 357% về lượng và tăng hơn 460% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Lượng lợn sống nhập từ Thái Lan về cũng lên tới hàng trăm nghìn con.
Không còn phải lên tivi mua thịt lợn
Những tháng cuối năm, giá thịt lợn đồng loạt lao dốc. Từ đỉnh cao lịch sử 100.000 đồng/kg, giá thịt lợn hơi nay giảm còn 60.000-70.000 đồng/kg. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, mức giá này là “đúng chuẩn”. Bởi, chăn nuôi trong thời DTLCP, giá con giống tăng, chi phí phòng dịch tăng,... nên giá thành tăng hơn trước rất nhiều.
Tại chợ truyền thống, giá các loại thịt lợn đã giảm khoảng 40-50% so với thời đỉnh điểm tháng 5. Theo đó, thịt mông sấn, vai, ba chỉ, nạc thăn, chân giò,... giá dao động từ 100.000-130.000 đồng/kg, sườn thăn giá 150.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Uyên Phương ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) thừa nhận, số lần mua thịt lợn ăn trong tuần của gia đình chị đã nhiều hơn. Chị cũng không còn phải đau đầu nghĩ một tuần nấu 10 món từ thịt gà như hồi giữa năm.
“Trước giá thịt lợn đắt đỏ, gia đình tôi phải chuyển sang ăn gà, vịt thay thế, một tuần chỉ mua 1-2 bữa thịt lợn. Giờ giá giảm về sát với thời điểm trước khi có dịch, không còn quá đắt đỏ nên mỗi ngày mâm cơm nhà tôi đều có món thịt lợn”, chị nói.
Còn chị Phan Thị Diệu ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì chia sẻ, dịp gần đây muốn ăn thịt lợn giá rẻ, chị không còn phải “lên tivi mà mua” như trước. Theo chị, trừ giá sườn lợn vẫn khá cao, các thịt ba chỉ, vai, nạc thăn, chân giò... giá “dễ thở” hơn trước rất nhiều.
“Tết Nguyên đán tới không biết giá thịt lợn giảm hay tăng? Nếu mức giá giữ như hiện tại thì năm nay không còn phải gói bánh chưng bằng thịt gà nữa rồi”, chị nói.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành NN-PTNT chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, vấn đề dự báo cung - cầu vẫn là khâu yếu. Dẫn chứng từ bất cập giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng lưu ý làm sao Tết Nguyên đán này không để người dân phải mua thịt lợn giá cao.
Theo vietnamnet