Thời kỳ hoàng kim của dầu khí đã kết thúc?

16:21 | 08/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo gần đây của Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA yêu cầu các nước muốn mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 cần chấm dứt đầu tư mới vào dầu mỏ và khí đốt. Điều này có ý nghĩa gì với tương lai của ngành dầu khí?

Hai năm trước, thế giới ghi nhận mức cầu năng lượng tăng trưởng 2,3%, chủ yếu là khí đốt tự nhiên, theo sau là năng lượng tái tạo, dầu mỏ, than đá, điện hạt nhân và các loại khác.

Nhu cầu về khí đốt tự nhiên bùng nổ với sự gia tăng của khí hóa lỏng (LNG) và cuộc cách mạng khai thác mỏ bằng thủy lực cắt phá. Đó chính là những lý do để giám đốc IEA Fatih Birol kết luận rằng sắp đến một "thời kỳ hoàng kim" của khí đốt.

Nhưng chỉ 2 năm sau, IEA đã đảo ngược lại hoàn toàn dự đoán của mình trong báo cáo mới nhất của tổ chức này. Vậy lý do và bối cảnh cho hành động bất thường của IEA là gì?

Lộ trình phát thải ròng bằng 0 

Kế hoạch được đưa ra dựa trên "Lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050" được công bố gần đây.

Trong đó, IEA kết luận rằng nếu các quốc gia đã tuyên bố nỗ lực khử carbon của họ đến năm 2050, thực hiện chúng một cách phù hợp, thì không cần đầu tư mới vào dầu hoặc khí đốt tự nhiên. Điều này không bao gồm các dự án xây dựng nơi đất trống hay những nguồn tài nguyên đã được phát hiện.

IEA đã bị chỉ trích bởi nhiều ý kiến cho rằng tổ chức này đã vượt khỏi giới hạn khi đưa ra "đề xuất thiếu thận trọng" về việc khử carbon nhanh chóng. Điều quan trọng cần lưu ý là IEA được thành lập năm 1974 để ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ, giúp phối hợp phản ứng tập thể đối với những thời điểm gián đoạn cung ứng lớn.

Thời kỳ hoàng kim của dầu khí đã kết thúc? - ảnh 1

Số lượng các quốc gia cam kết có mức phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050, tăng dần theo từng năm. Ảnh: CanaryMedia.

Tuy nhiên, IEA đã phát triển và mở rộng phạm vi để "giúp các quốc gia cung cấp nguồn năng lượng an toàn và bền vững cho tất cả mọi người".

Có thể hiểu tuyên bố của IEA về sự không cần thiết phải đầu tư mới vào dầu và khí tự nhiên là "một cuộc cách mạng".

Nhưng tuyên bố này được đưa ra khuôn khổ nghiêm ngặt về các biện pháp phụ thuộc lẫn nhau. Có nghĩa, nếu quá trình khử carbon được thực hiện nghiêm túc, thì cần tăng cường đầu tư vào các giải pháp thay thế.

Nguồn quan trọng nhất cho dự báo của IEA là ngày càng nhiều các chính phủ đã tuyên bố tham vọng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng nhiều sự chia rẽ cho thấy còn nhiều quan ngại về khả năng chi trả cho các biện pháp này đặc biệt là đối với những nước nghèo.

Khí đốt tự nhiên lên ngôi

Trong thập kỷ qua, lĩnh vực khí đốt tự nhiên đã phát triển nhanh chóng từ nguồn năng lượng khu vực sang toàn cầu, chủ yếu thông qua sự gia tăng của khí hóa lỏng (LNG).

Thảm họa với nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã thúc đẩy Đức và Nhật Bản hướng tới khí đốt tự nhiên (khiến Nhật trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới), bằng cách tuyên bố đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân.

Hơn nữa, bản chất tương đối sạch của khí tự nhiên so với than đã khuyến khích các chính phủ lựa chọn giải pháp thay thế sạch hơn. Về cơ bản, Trung Quốc đã chọn phương án chuyển đổi than qua sử dụng khí đốt. Nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc đã lập kỷ lục vào tháng trước với mức tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi năm 2020 là một thảm họa đối với hầu hết các thị trường do đại dịch COVID-19, LNG đã phục hồi nhanh chóng. Theo một số nhà phân tích, nhu cầu toàn cầu về LNG có thể tăng 40-50% trong 10 năm tới. Nhu cầu thậm chí có thể tăng gần gấp đôi vào đầu những năm 2040.

Vậy làm thế nào IEA có thể duy trì rằng không cần đầu tư mới?

Những dự đoán mơ hồ

Điều quan trọng cần lưu ý là IEA không nói rõ rằng khí tự nhiên không còn cần thiết nữa. Những dự báo gần đây được đưa ra là do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết trở thành một xã hội không có phát thải ròng vào năm 2050. Danh sách này hiện đã tăng lên 44 quốc gia đại diện cho phần lớn nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù có nhiều câu hỏi và sự không chắc chắn như sự đầy đủ của lượng nguyên liệu thô (ví dụ: khoáng chất và kim loại) và khả năng sinh lời nói chung, câu trả lời của IEA chủ yếu mang tính kỹ thuật.

Hơn nữa, khả năng tồn tại của các giải pháp thay thế cho khí tự nhiên có thể cải thiện nếu các tổ chức tài chính đánh giá lại khả năng sinh lời của các khoản đầu tư dài hạn vào các nguồn dựa trên carbon. Nếu rủi ro về "tài sản mắc kẹt" tăng lên, ví dụ: các khoản đầu tư nhiều tỷ USD vào LNG, tiền rẻ có thể chảy vào các dự án bền vững sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Theo Chris Severson-Baker, thuộc Viện Pembina, “báo cáo của [IEA] cho thấy rằng lĩnh vực tài chính tư nhân giờ đây sẽ cần phải nhận ra rằng các siêu dự án được trợ cấp nhiều [dự án 40 tỷ USD đầu tư LNG tại Canada] có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt”.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều ảm đạm với ngành công nghiệp LNG toàn cầu. Nhu cầu ngày càng tăng về hydro có thể củng cố lĩnh vực này trong thời điểm thế giới đang khử carbon. IEA dự kiến ​​việc sử dụng hydro sẽ tăng từ 90 triệu tấn vào năm 2020 lên 200 triệu tấn vào năm 2030. Hydro được sản xuất từ ​​khí tự nhiên có thể lấp đầy khoảng trống về cầu.

Vẫn chưa chắc chắn liệu có thể khử carbon với tốc độ mà IEA đang đề xuất hay không. Và còn nhiều câu hỏi liên quan đến lợi nhuận, sự sẵn có của nguyên liệu và sự kiên trì của các chính phủ trong việc theo đuổi các mục tiêu đã nêu. Tuy nhiên, báo cáo gần đây nhất của IEA cho thấy rằng các rào cản công nghệ đối với một xã hội không có phát thải ròng vào năm 2050 là không đáng kể.

 Tiệp Nguyễn