Thống đốc NHNN lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước ‘chỉ bán chứ chưa mua vàng miếng SJC’

Trang Mai 13:02 | 11/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trả lời đại biểu về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề nổi bật là thị trường vàng.

Vì sao NHNN "chỉ bán chứ không mua"?

Trong Phiên chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bình ổn giá được người dân đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu thắc mắc việc NHNN chỉ bán chứ không mua khiến nhiều người dân gặp khó khăn, không biết nên bán vàng ở đâu. Đại biểu Hòa cũng chất vấn tại sao chỉ triển khai bán vàng ở TP HCM và TP Hà Nội mà không bán nhiều nơi cho dân được mua.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua, bà Hồng giải thích Ngân hàng Nhà nước cung vàng do nhu cầu gia tăng, chưa đặt vấn đề mua lại, mà tập trung thực hiện giải pháp tăng cung vàng.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quốc hội

“Để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp, các TCTD muốn mua lại vàng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Nguyễn Thị Hồng trả lời.

Theo Thống đốc, hiện đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 đơn vị kinh doanh mua bán vàng, vẫn diễn ra hoạt động mua bán bình thường. Việc doanh nghiệp không mua vàng cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.

Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM và thành phố lớn, Thống đốc cho hay Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng chứ không quy định bắt buộc ở địa điểm nào.

Việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng xem xét đánh giá nhu cầu tỉnh thành và mở điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp nhu cầu mua bán chủ yếu là TP Hà Nội, TP HCM và thành phố lớn còn các tỉnh thành khác không có tình trạng xếp hàng mua bán vàng miếng.

Liên quan đến tình hình thị trường vàng hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ những giải pháp nhằm ổn định thị trường để người dân từ bỏ tâm lý tích trữ vàng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai, Thống đốc Ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng. Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.

Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. 

Sẽ nghiên cứu việc lập Sàn giao dịch vàng 

Tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước thị trường phát triển cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. “NHNN có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết, ưu điểm của sàn vàng là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Hiện nay có một số nước đã thành lập Sàn giao dịch vàng như Trung Quốc có sàn vàng lớn tại Thượng Hải. Tuy nhiên cũng những có nước không có Sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, để lập Sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế. Để lập Sàn giao dịch vàng, NHNN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh, điều kiện ở Việt Nam.

Theo NHNN, thị trường vàng của Việt Nam biến động phù hợp diễn biến chung thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Song bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và cũng khiến giá trong nước tăng theo.

Từ tháng 6 đến nay, giá vàng của quốc tế lập đỉnh. Lúc trước khi can thiệp, giá vàng dao động 2.300 -2.400 USD/ounce. Việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao khiến Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành và tổ chức đấu thầu. Qua đấu thầu 9 phiên cho thấy, đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh, tâm lý kỳ vọng của thị trường khá cao.

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN đã chuyển sang bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng của trong nước và quốc tế từ mức khoảng 15 - 18 triệu đồng/lượng thì nay còn 3 – 4 triệu đồng/lượng.

Theo NHNN, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng, việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế.

"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến để đưa ra các cái chính sách ổn định thị trường vàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.