Thống đốc NHNN: Sẽ thông báo về room tín dụng chậm nhất đầu tuần tới

Nhật Di 12:07 | 28/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu chậm nhất là đầu tuần sau thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14%.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm ngày 26/8, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) đã chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.  

 Chậm nhất đầu tuần sau NHNN sẽ thông báo về room tín dụng. Ảnh minh họa: TT. 

Cụ thể, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần sau (tuần từ 29/8) sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Được biết, tại Hội nghị này, các ngân hàng không còn kiến nghị về việc cần tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, dù trước đó vào tháng 5, nhiều ngân hàng được đều đồng loạt đề nghị NHNN nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để triển khai gói hỗ trợ tốt hơn.

Thông tin NHNN sẽ thông báo về việc nới "room" tín dụng đầu tuần sau khiến nhiều người cũng đặt chờ mong về danh sách các ngân hàng sẽ được có “room”, dù trong quá khứ trên thị trường ít khi có công bố danh sách một cách cụ thể, đầy đủ và công khai.

Tuy nhiên trước khi thông báo về bổ sung hạn mức tín dụng, NHNN đã có thông điệp rõ trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng là đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.

Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.

Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

Giới chuyên môn cho rằng các tiêu chí này có thể tiếp tục sẽ là "kim chỉ nam" và cộng với giải ngân thực tế, chất lượng tín dụng của giai đoạn qua, để xem xét về bổ sung hạn mức tín dụng còn lại cho các ngân hàng.

Theo đó, nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch COVID-19, và cũng là những ngân hàng đăng ký mạnh trong gói hỗ trợ lãi suất 2%, được cho sẽ có thể có “room” phần nào “thoáng hơn”.

Ngoài ra, những ngân hàng có kế hoạch tiếp nhận bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém cũng có thể được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và các năm tới.

Chuyên gia: Ngân hàng Nhà nước nên nới room sớm

Tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, doTạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức ngày 24/8, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho rằng NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng.

"NHNN không nên chờ đến quý IV, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát "êm" rồi mới nới room tín dụng vì như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp", chuyên gia nói.

Chuyên gia cho rằng nới room tín dụng là điều kiện cần và đủ để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Không chỉ vậy, việc nới room tín dụng còn ảnh hưởng rất nhiều đến việc cung ứng vốn cho nền kinh tế nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao khi nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.

  TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia. Ảnh DNVN.

Nói về nguyên nhân NHNN chưa nới room tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng NHNN còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do hai lý do là lo ngại lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu chúng ta có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá heo thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Do đó, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi.

Đồng quan điểm với ông Lực, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại sử dụng tiền gửi ngắn hạn cho vay trung-dài hạn làm hệ thống ngân hàng nơm nớp trong tình trạng rủi ro. Hiện vẫn chưa có thông tin nào về việc các ngân hàng thương mại có được nới room tín dụng hay không, trong khi nhiều ngân hàng thông tin room cũ còn lại rất ít.

Trong bối cảnh lạm phát do chi phí đẩy hiện nay, ông Nghĩa nêu quan điểm dùng công cụ thuế để kiểm soát lạm phát là hiệu quả nhất. Khi giảm được lạm phát xuống dưới mức kỳ vọng thì có cơ hội xem xét tăng room tín dụng. "Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới room tín dụng", ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng trích dẫn số liệu do TS. Cấn Văn Lực công bố hồi đầu năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng bình quân 3 năm (2019-2021) của Mỹ là 14%. Đối chiếu theo con số này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng room tín dụng tại Việt Nam tăng lên 15-16% là mức có thể chấp nhận được.

"Mỹ tăng trưởng tín dụng như vậy thì Việt Nam 15-16% cũng chấp nhận được. Chúng ta thận trọng cố gắng kiểm soát được lạm phát vững chắc một chút thì có thể nới nới rộng room tín dụng thành 15% hoặc 16%", theo TS. Lê Xuân Nghĩa.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị xem xét nâng thêm 1 - 2%, bởi phần lớn các NHTM hiện đã gần cạn room.  Theo Chủ tịch HoREA, NHNN nên đánh giá và cho phép 4 ngân hàng lớn nới room, và xem xét nới room cho các ngân hàng đạt chuẩn BASE II nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.