Thông tư quy định về hàng hóa của Việt Nam không áp dụng cho hàng xuất khẩu

11:42 | 15/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lưu ý điều này tại cuộc trao đổi với báo chí, chiều 14/8.

Ông Trần Quốc Khánh cho biết, Dự thảo “Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” bao gồm một số nội dung chính như sau:

Các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong Thông tư;

 Các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, cách thức và ngôn ngữ thể hiện;

Các trường hợp, tiêu chí để hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam;

Các quy định khác liên quan đến việc xác định hàng hóa của Việt Nam (gia công đơn giản, bao bì phụ kiện, tỷ lệ linh hoạt, yếu tố gián tiếp);

Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, Điều 1 của Thông tư quy định: Thông tư này không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam.

“Điều này có nghĩa, nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2017. Thông tư của Bộ Công Thương không điều chỉnh các trường hợp này”, ông Khánh nói.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nếu hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là "hàng Việt Nam" thì Thông tư này sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan. Đây là điểm mới, rất đáng lưu ý của Thông tư.

Dự thảo “Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” quy định hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư.

Thứ hai, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của Thông tư.

Thông tư quy định về hàng hóa của Việt Nam không áp dụng cho hàng xuất khẩu - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ tại buổi trao đổi với báo chí. Ảnh: Minh Hoa/DNVN. 
Khoản 2 Điều 4 quy định 5 cách thể hiện hàng hóa của Việt Nam. Theo cách thể hiện này, nhà sản xuất không thể sử dụng cách thể hiện khác như "Lắp ráp tại Việt Nam", "Gia công tại Việt Nam" hay "Thiết kế bởi Việt Nam".

Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định tại khoản 2 Điều 4 để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam. Họ có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của..." mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại... " hay "Sản xuất tại...”, ông Khánh cho biết.

Dự thảo “Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam” cũng không quy định cách thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam bằng việc ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, thí dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam".

“Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau”, ông Khánh giải thích.