Thứ trưởng Bộ TT&TT: Các doanh nghiệp công nghệ nên đặt mục tiêu toàn cầu ngay từ đầu

16:43 | 22/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một trong những tiêu chí chấm giải thưởng "Make in Viet Nam" của Bộ Thông tin & Truyền thông là sản phẩm được thị trường nước ngoài chấp nhận.
"Một trong những tiêu chí để hội đồng đánh giá sản phẩm là thị phần và tiềm năng vươn ra thị trường nước ngoài. Nếu được thị trường ngoài chấp nhận, đó cũng là minh chứng cho chất lượng sản phẩm", ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ bên lề buổi lễ công bố giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam", diễn ra chiều 21/12 tại Hà Nội.
 
Ông Tâm dẫn lại lời Bộ trưởng TT&TT, cho rằng các doanh nghiệp Việt nên coi thị trường trong nước là cái nôi, nơi mình sinh ra và trưởng thành. "Việc cung cấp các nền tảng xuyên biên giới nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp nên đặt mục tiêu toàn cầu ngay từ đầu", ông Tâm nhấn mạnh.
 
Ông Phan Tâm, Thử trưởng Thông tin Truyền thông phát biểu tại lễ công bố giải thưởngÔng Phan Tâm, Thử trưởng Thông tin Truyền thông phát biểu tại lễ công bố giải thưởng
 
Năm nay là lần đầu tiên giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" được tổ chức, nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do người Việt, doanh nghiệp Việt sáng tạo tại Việt Nam, giải các bài toán của Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhiều sản phẩm trong số này hoàn toàn có thể cạnh tranh ở nước ngoài.
 
"Có ít nhất hai sản phẩm đạt giải nhất là những sản phẩm đã ra thị trường nước ngoài. Điều này được chúng tôi đánh giá cao và là tiêu chí quan trọng để xếp hạng, bởi thị trường nước ngoài vốn rất cạnh tranh", nhà báo Thái Khang, thành viên hội đồng chấm giải cho biết.
 
Theo Tiến sĩ Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giải thưởng lần này, các sản phẩm Việt có khả năng giải quyết bài toán của người Việt thì cũng hoàn toàn có khả năng cung cấp cho thị trường quốc tế.
 
Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng ở các lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam có khoảng cách khá xa với thế giới, thậm chí là vài chục, hay hàng trăm năm. Nhưng trong nền "công nghiệp trí tuệ", Việt Nam gần như xuất phát cùng các nước khác và đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
 
Tiến sĩ Mai Liêm Trực (bên trái) là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giải thưởng Tiến sĩ Mai Liêm Trực (bên trái) là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam"
 
"Ra nước ngoài lúc này, các doanh nghiệp Việt sẽ cùng nhịp bước với nước ngoài. Việc này cũng thể hiện sự dấn thân, khát vọng và sự tự tin của các doanh nghiệp đó", ông Trực nói. Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ BCVT cũng hé lộ Thủ tướng sẽ trực tiếp trao giải tại giải thưởng "Make in Viet Nam" trong lần đầu tiên tổ chức. "Đây là sự khích lệ lớn với các doanh nghiệp Việt, không chỉ cung cấp dịch vụ trong nước mà sẽ vươn ra nước ngoài".
 
Lễ Công bố và trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 dự kiến được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2020, diễn ra ngày 23/12.
 
Giải thưởng gồm 5 hạng mục: Nền tảng số xuất sắc, Sản phẩm số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số và Sản phẩm số tiềm năng. Từ 239 đơn đăng ký, hội đồng chấm giải sẽ chọn ra 50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hàng mục, sau đó chọn ra 15 sản phẩm xuất sắc nhất cho các vị trí Nhất, Nhì, Ba. Theo Ban tổ chức, các sản phẩm đạt giải khá đa dạng, từ phần mềm, phần cứng cho đến giải pháp, đồng thời ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain, OCR, AR/VR, công nghệ mở...
 
Theo Vnexpress