Thủ tướng: Bộ Công Thương đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý dự án thua lỗ
Dự Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 27/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành công thương cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường, đồng thời, xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành cho 10 năm tới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc quy hoạch ngành rất quan trọng và làm chậm có thể cản trở sự phát triển. Thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển tiên tiến sẽ tạo đà cất cánh cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần nâng cao năng suất nội ngành; thay vì phụ thuộc dầu thô, dầu mỏ, cần phát triển dựa vào chế biến, sáng tạo. Đặc biệt, Bộ Công Thương phải chủ động "đi tắt, đón đầu" để tận dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, các cấp, các ngành, địa phương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển ngành công thương, tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển một số một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, nhất là công nghiệp chế biến.
Ngành cũng tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ rất lớn, do đó, Bộ Công Thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ. Đồng thời, Bộ cũng cần làm tốt quản lý thị trường, tránh gian lận thương mại, tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, trên tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng.
Mặt khác, trong năm 2020, chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD nhưng để đạt được chỉ tiêu này đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng từ 15-17 tỷ USD. Ngoài ra, tăng trưởng thị trường bán lẻ phải đạt con số khoảng 12%.
Vì thế, lãnh đạo Bộ Công Thương cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc trong xuất nhập khẩu, triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do và phát triển thị trường tiềm năng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần đa dạng thị trường nhiều hơn, nhất là tại những thị trường quan trọng khác như 28 nước EU, các nước ký hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ phải đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý các dự án thua lỗ; đảm bảo cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, không để mất điện.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết năm 2019, ngành công thương đã đạt được các kết quả tích cực khi 12/12 chỉ tiêu chung của Chính phủ đề ra đều đạt và vượt mức.
Mặc dù đã rất nỗ lực và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra nhưng ngành công thương vẫn phải tiếp tục giải quyết và khắc phục những tồn tại, bất cập trong chiến lược phát triển, tham gia điều hành trong quản lý kinh tế ngành cũng như quản lý nhà nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2020 là năm quyết định, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết thúc Chiến lược 10 năm của đất nước cũng như trong Kế hoạch 5 năm.
Để thực hiện yêu cầu này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Bộ Công Thương cần nhìn nhận và đánh giá thực chất những vấn đề đang là "nút thắt" trong hoạt động phát triển ngành công thương, từ đó, có giải pháp nhằm xử lý và tháo gỡ, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của cả nước, đồng thời thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia phát triển.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra việc tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp diễn ra chậm, chưa thực sự hình thành được các ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Cùng với đó, liên kết và hợp tác trong cùng một ngành, giữa các ngành còn chưa phát triển.
Đặc biệt, liên kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực còn chậm khắc phục, hiệu quả thu hút và quản lý, sử dụng đầu tư nước ngoài còn chưa hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ và xử lý trong thời gian tới. Hơn nữa, tuy có kết quả khả quan, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, nhất là trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới nhưng xuất nhập khẩu còn nhiều chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với yêu cầu.
“Vì vậy, năm 2020, việc nghiên cứu, dự báo, tham mưu, xây dựng chính sách với Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải được đặt lên hàng đầu. Quan trọng là Bộ Công Thương tự khẳng định mình để phối hợp với bộ ngành, cơ quan chức năng khác nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này," Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trong nước và mức độ tăng trưởng 18%/năm, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch năm 2019, cho thấy dư địa của thị trường nội địa trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, việc hình thành các trung tâm logistics lớn với sự tham gia của các địa phương, các khu vực doanh nghiệp cũng như mối quan hệ hợp tác quốc tế ở nhiều cấp độ, nhiều bình diện sẽ là nền tảng tiếp tục tháo gỡ những khó khăn rào cản, thúc đẩy cho phát triển thị trường nội địa cũng như đóng góp vào phát triển giao thương quốc tế của Việt Nam.
Mặt khác, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình nâng cao năng suất chất lượng của nền kinh tế, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh và quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
"Đây sẽ là nền tảng, vai trò quan trọng để đảm bảo tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, cũng như tạo điều kiện cho đất nước chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong năm 2020, Đề án tăng cường quản lý nhà nước và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký ban hành sẽ đi vào thực thi với sự tham gia sâu rộng của toàn bộ các hệ thống chính trị," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ các đơn vị trong ngành công thương có phương thức đổi mới, bám sát phương châm nhiệm vụ năm 2020 mà Chính phủ nêu ra. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh, điều kiện đầu tư./.