Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong cấp giấy đi đường

17:43 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hà Nội hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường.

Nội dung này thể hiện trong Công văn số 6263 Văn phòng Chính phủ vừa gửi tới Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu triển khai hiệu quả các biện pháp chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP.HCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.

Kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục - đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cấp giấy đi đường không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Trong một tháng rưỡi qua, kể từ khi bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay, TP.Hà Nội liên tục thay đổi việc cấp, kiểm tra giấy đi đường, chỉ sau 2, 3 ngày ban hành. Cụ thể, ngày 23/7, khi Chủ tịch TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND áp dụng giãn cách toàn thành phố, nhiều cơ quan, đơn vị được tự in mẫu giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên.

Sau đó, UBND TP.Hà Nội thống nhất mẫu giấy sử dụng chung cho các đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách. Mẫu giấy gồm thông tin cá nhân, địa chỉ, nơi làm việc, mục đích tham gia giao thông… với xác nhận của UBND xã hoặc xác nhận của đơn vị.

Đến ngày 8/8, TP lại ban hành văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường; yêu cầu ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành theo mẫu chung của thành phố, phải xuất trình kèm theo: Căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đầu tháng 9, khi phân 3 vùng chống dịch, TP.Hà Nội giao Công an cấp giấy, theo đó có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường. Nhưng chỉ 2 ngày sau, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường, điều chỉnh lại so với dự kiến ban đầu. Trong đó, nhóm các cơ quan Nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp Nhà nước… thẩm quyền cấp giấy đi đường được điều chỉnh như cũ, do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1, song để tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến, việc cấp giấy đi đường sẽ điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của chỉ thị số 16, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành.

Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Nhiều bất cập trong cấp giấy đi đường

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, tình trạng của Hà Nội cũng là tình trạng chung của cả nước hiện nay. QR code nói riêng và ứng dụng công nghệ 4.0 nói chung đang bị sử dụng như một trào lưu. Mỗi địa phương làm một kiểu trong khi điều quan trọng nhất là hiệu quả và thuận tiện cho người dân thì chưa rõ ràng. Vị chuyên gia đánh giá giải pháp của Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.

“Một giải pháp đưa ra để đáp ứng một mục tiêu cao nhất nhưng bên cạnh đó nó còn liên quan đến nhiều giải pháp và các mục tiêu liên quan. Nếu không có sự liên kết tổng thể, làm được việc này thì có nguy cơ hỏng việc khác”, ông Liên chia sẻ.

Với việc cấp và kiểm soát giấy đi đường theo mã QR của Hà Nội, ông Liên cho rằng mục tiêu là rất tốt, không có gì để bàn cãi khi chính quyền bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.

Tuy nhiên, người quản lý lại đang chạy theo các vấn đề cụ thể, các vấn đề chịu sức ép mà thiếu đi một tư duy quản trị chung. Chính điều đó gây nguy cơ phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, việc này còn gây ùn tắc ở các chốt kiểm soát. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.

Còn theo, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường ông cho rằng vẫn chưa hợp lý.

Cụ thể, quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường. Theo dự kiến, quy trình cấp giấy đi đường chủ yếu có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố.

Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường khả năng sẽ quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với chính cơ quan công an.

Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Cường, để giảm thiểu số người ra đường thì đơn giản nhất là hạn chế số người được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16 thay vì việc gia tăng các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy ra đường, ảnh hưởng đến cả cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện thủ tục này.