Thủ tướng: Đến 2020 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu cao
"Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, Chính phủ tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ xấu cao hiện nay".
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn bằng văn bản Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) về 2 vấn đề: "Chính phủ có những giải pháp gì để giải quyết căn cơ tình trạng nợ công và nợ xấu cao, mất cân đối ngân sách nhà nước và Nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng. Nếu ngân hàng, trong đó có ngân hàng nước ngoài xiết nợ thì Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào?"
"Xử lý nợ xấu cơ bản đã đạt mục tiêu"
Trong văn bản nói trên, về giải pháp để giải quyết tình trạng nợ công và nợ xấu cao, mất cân đối ngân sách nhà nước, Thủ tướng cho biết, đối với nợ công, trước thực trạng cơ cấu ngân sách và nợ công và yêu cầu bảo đảm an ninh tài chính trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đồng thời đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Quốc hội đã quyết định các chỉ tiêu giới hạn về nợ công, bội chi trong trung hạn với mức bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn không quá 3,9%GDP, đến năm 2020 không quá 3,5%GDP; nợ công hằng năm không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP.
Để triển khai các mục tiêu này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.
Cụ thể: Tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên 26,2% năm 2018, kế hoạch giai đoạn 2018-2020 trên 26%; tỷ trọng dự toán chi thường xuyên đã giảm từ mức 64,9% năm 2017 xuống 64,1% năm 2018, đến năm 2020 dự kiến xuống dưới 64%; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tập trung kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương, bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước,..
Thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát thu hẹp diện miễn, giảm thuế, nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước.
Về xử lý nợ xấu, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015"; Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng" và Đề án "Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam".
Qua 4 năm triển khai các đề án nêu trên, việc cơ cấu lại hệ thống các các tổ chức tín dụng nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, thanh khoản của hệ thống các các tổ chức tín dụng được đảm bảo, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; mặt bằng lãi suất giảm mạnh, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh…
Lũy kế từ 2012 đến cuối tháng 9/2017, tổng số nợ xấu được xử lý đạt 685,3 nghìn tỷ đồng, đưa nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9/2017 còn 158,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,34%.
Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách thận trọng, giá trị nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn (ước tính khoảng 558,0 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,62% tổng dư nợ tín dụng, giảm so với mức 10,08% của cuối năm 2016), tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các các tổ chức tín dụng…
Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện nêu trên, Chính phủ tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ xấu cao hiện nay.
Từ 15/8/2017 đến 30/9/2017, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó nợ xấu được các các tổ chức tín dụng tự xử lý thông qua vận dụng các quy định tại Nghị quyết 42 và các văn bản pháp quy hiện hành chiếm 99,94%, nợ xấu bán cho VAMC chỉ chiếm 0,06%.
"Siết" nợ sẽ do tổ chức tín dụng tự chủ thực hiện
Về xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Trong quá trình xây dựng Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá toàn diện thực trạng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mặc dù đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn còn khá lớn - khoảng 10 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2015 và 9,3 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 30/09/2017.
Trước thực trạng đó, Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" đã đưa ra các giải pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu của doanh nghiệp.
Cụ thể: Đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm xác định định hướng hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó: Xử lý dứt điểm tài sản bảo đảm của khoản nợ; Trường hợp tiếp tục duy trì hoạt động thì cho phép các tổ chức tín dụng chuyển nợ thành vốn góp hoặc bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp để có nguồn trả nợ các tổ chức tín dụng; Cho phá sản doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng thu hồi khoản nợ liên quan.
Sau khi đề án được phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của cácvdoanh nghiệp nhà nước đã nêu tại đề án và kịp thời báo cáo Chính phủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình triển khai đạt hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.
Thủ tướng cho biết, quan điểm của Đảng, Chính phủ là "Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN.";
Cùng với đó, "Quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, nhất là các quyền và nghĩa vụ phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường"; "Xoá bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doannh nghiệp nhà nước, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế,...".
Thủ tướng cũng khẳng định: Doanh nghiệp nhà nước phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, không còn các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước.
Chiếu theo Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng thì việc ngân hàng thực hiện thu nợ/siết nợ sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có các giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bổ sung nguồn vốn để có nguồn trả nợ tổ chức tín dụng, phá sản doanh nghiệp… như Đề án 1058 đã nêu.
"Hoạt động thu nợ/siết nợ sẽ do doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, ttrong đó có ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tự chủ thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật", Thủ tướng cho biết.
Minh Hoa (theo VnEconomy)