Nợ xấu các ngân hàng Top đầu biến động ra sao trong Quý III?
Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tiếp tục là quán quân toàn ngành về lợi nhuận. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm.
Xét riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng, song song với việc ngân hàng gần 80% chi phí dự phòng rủi ro trong quý 3/2024.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) là á quân lợi nhuận toàn ngành và dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân sau 9 tháng đầu năm. So với năm ngoái, ngân hàng này đã vượt qua thứ hạng của 3 "ông lớn" MB, BIDV và VietinBank.
Quý III/2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt hơn 7.170 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 22.842 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước. So với năm ngoái, Techcombank đã có bước tiến đáng kể về thứ hạng, khi vượt qua BIDV, VietinBank và MB để vươn từ Top 5 lên Top 2 lợi nhuận.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) về đích thứ ba trong cuộc đua lợi nhuận ngành. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng quốc doanh này đã thu về gần 22.047 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 73% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Riêng quý III/2024, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.498 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của BIDV lại đến từ việc tiết giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2024 đạt 7.308 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế tăng 3,6% so với cùng kỳ, đạt 20.736 tỷ đồng, thực hiện được 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đứng vị trí thứ tư lợi nhuận ngành, lùi 2 bậc so với thứ hạng 9 tháng đầu năm 2023.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) đạt gần 6.553 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 3/2024, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng từ đầu năm, ngân hàng quốc doanh này đã thu về 19.513 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 71% mục tiêu cả năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vẫn duy trì ổn định ở vị trí Top 6 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 15.335 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả.
Dù mức tăng trưởng lợi nhuận tương đối khiêm tốn so với các nhà băng khác, kết quả kinh doanh vẫn đang đi đúng kế hoạch khi đã hoàn thành 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đứng ở vị trí Top 7 và có sự cải thiện thứ hạng ấn tượng so với vị trí Top 10 cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 13.861 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng năm 2024, ngân hàng mới chỉ hoàn thành khoảng 66% mục tiêu sau 3 quý.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III đạt 4.490 tỷ, tăng 42,7% so với quý III/2023 và lũy kế 9 tháng 12.655 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp HDBank về đích thứ 8 trong cuộc đua lợi nhuận ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm 2024.
Xếp thứ 9 là Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB - Mã: SHB) với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 9.048 tỷ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm.
Top 10 lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay có sự gia nhập của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB). Đây cũng là một trong những nhà băng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm nay. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay của nhà băng này lên tới 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. So với kế hoạch cả năm, LPBank đã hoàn thành 84% mục tiêu lợi nhuận.
Nợ xấu của những ngân hàng top đầu biến động ra sao?
Vietcombank: Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 10%. Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng gần 36%, lên 17.133 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,99% từ đầu năm lên 1,22% vào cuối tháng 9.
Techcombank: Tại cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 927,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm và 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 495,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21,0% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank tại thời điểm cuối tháng 9 ở mức 1,35%, tăng so với tỷ lệ 1,28% tại thời điểm cuối tháng 6. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng nhẹ, lên mức 103%.
BIDV: Đến cuối quý III/2024, BIDV vẫn duy trì vị thế ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống, đạt gần 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay khách hàng đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 10% và tiền gửi của khách hàng đạt 1,87 triệu tỷ, cũng tăng 10% so với đầu năm. Tổng nợ xấu nội bảng của BIDV là 33.385 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ vay theo đó tăng từ 1,26% lên 1,71%.
MBBank: Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng đã chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng ở mức cao 14,9%, lên 702.020 tỷ đồng. Mặt khác, sau 9 tháng, số dư nợ xấu tại MB đã tăng 60% lên 15.685 tỷ đồng ở cả ba nhóm nợ, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 2,23%.
Vietinbank: Tại ngày 30/9, tổng tài sản của VietinBank đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9%, đạt 1,61 triệu tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng đạt gần 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Cũng đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu của ngân hàng này vào khoảng 23.225 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo đó tăng từ 1,13% đầu năm lên 1,45%.
ACB: Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 777.392 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 554.908 tỷ đồng, tăng 13,8%. Trong khi đó, tiền gửi khác hàng chỉ đi lên 6,1%, đạt 512.124 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ACB vào cuối quý III ở mức 8.275 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,49%.
VPBank: Về quy mô tài sản, tổng tài sản của VPBank đến cuối tháng 9 đạt 856.844 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12% lên 619.845 tỷ đồng, còn tiền gửi khách hàng tăng 7,5% lên 475.782 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng nợ xấu của VPBank đạt 30.531 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2023. Trong đó, khoản nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ghi nhận mức tăng đáng kể từ 4.362 tỷ đồng lên 7.354 tỷ đồng sau 9 tháng. Mặc dù nợ xấu tăng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 5,8% xuống còn 4,8%.
HDBank: Tại ngày 30/9, tổng tài sản hợp nhất 629.000 tỷ đồng; huy động vốn 559.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của HDBank ở mức 412.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Số dư nợ xấu ở mức 7.568 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,9%.
SHB: Tính đến 30/9, tổng tài sản ở mức 688.387 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2023. Dư nợ cấp tín dụng đạt 495.420 tỷ đồng. Các chỉ số hiệu quả kinh doanh của SHB duy trì trong nhóm đầu ngành với ROE đạt 22,8%. Trong đó tỷ lệ nợ xấu đạt 2,53%.
LPBank: Tính đến 30/9, tổng tài sản của LPBank đạt gần 446.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16,1%, đạt 319.770 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại LPBank cũng tăng 14,3%, đạt gần 271.303 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của LPBank ở mức 6.272 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,96%.