Thủ tướng làm việc tại Hà Tĩnh
Sau khi thăm, thị sát kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Đức Thọ, chiều 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Đánh giá kết quả phát triển của Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Tĩnh đang ở vị thế mới trong bản đồ phát triển Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ sau sự cố môi trường biển 2016.
“Sự hồi sinh đã về trên mảnh đất Hà Tĩnh,” Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng Hà Tĩnh đã phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn, nhất là với việc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh còn bước đầu đạt kết quả tốt trong việc sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết của Trung ương từ thôn đến tỉnh, tạo sự thống nhất cao trong chính quyền và nhân dân.
Với quy mô chiếm 1,1% kinh tế cả nước, Thủ tướng đánh giá đã đến lúc Hà Tĩnh tự tin là một cực tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lâm vào tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, vốn ngân sách Nhà nước thì Hà Tĩnh hoàn thành tốt các hạng mục chi ngân sách đạt 21,43% dự toán. Điều này thể hiện tính năng động, tinh thần dám nghĩ, dám làm của địa phương,
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh phấn đấu sớm tự chủ ngân sách. “Đây sẽ là một kết quả rất ấn tượng của một địa phương có điều kiện hết sức khó khăn “mưa thối đất, nắng nóng như đổ lửa” như Hà Tĩnh”, Thủ tướng nói.
Nêu ra một số gợi ý để Hà Tĩnh đạt kết quả phát triển vượt bậc trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến ba trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và lưu ý Hà Tĩnh cần giảm nghèo nhanh hơn để phát triển bền vững, tránh tái nghèo, thực hiện tốt chính sách cung cấp phúc lợi xã hội, tái sản xuất hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận giáo dục để làm chủ tương lai.
Thủ tướng gợi ý Hà Tĩnh cần tăng nhanh tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động tương xứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lực lượng sản xuất và nền kinh tế. Công nghiệp hóa cần đi liền với đô thị hóa là xu hướng tất yếu, nhất là với các đô thị ven biển.
Sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018-2022. Cùng dự lễ ký có ngài Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ngân hàng Thế giới được ký lần này nhằm thiết lập một quan hệ đối tác toàn diện cho hợp tác chiến lược trong giai đoạn 2018-2022.
Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ cam kết hướng đến tăng trưởng, phát triển toàn diện bền vững và cạnh tranh trong tỉnh; ghi nhận sự cần thiết phải có cách tiếp cận rõ ràng, toàn diện và cơ chế giữa các bên để định kỳ thảo luận chiến lược nhằm rà soát các chương trình đang thực hiện, thiết lập định hướng chiến lược trong tương lai về quan hệ đối tác chiến lược.
Hai bên sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kiến thức, tham gia học tập và nghiên cứu chung, đối thoại chính sách tập thể và phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật trong các sáng kiến đã đồng ý liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Nông nghiệp và an toàn thực phẩm; phát triển đô thị và tài nguyên nước; Chiến lược hàng hải, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp; rà soát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Formosa Hà Tĩnh phát triển kinh tế phải gắn với bền vững môi trường
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã trực tiếp thị sát khu xử lý nước thải, phòng quan trắc chất lượng nước thải.
Thủ tướng đã kiểm tra thực tế cá nuôi tại hồ chỉ thị sinh học, văn phòng bộ phận luyện gang, khu vực xưởng cán luyện gang, xưởng cán thép nóng thô và khu vực cầu cảng Formosa.
Thủ tướng trực tiếp kiểm tra việc kết nối, truyền dữ liệu từ hệ thống hồ sinh học, nước thải Trạm quan trắc nước thải tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Trong cuộc làm việc với của lãnh đạo Tập đoàn Formosa và các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh mục đích chuyến thị sát nhằm kiểm tra việc thực hiện lời hứa của FHS về việc đảm bảo đưa 2 lò cao số 1 và số 2 vào hoạt động ổn định, phấn đấu đạt sản lượng thép gần 7 triệu tấn trong thời gian không xa.
Thủ tướng biểu dương FHS đã khắc phục 52/53 tồn tại dưới sự giám sát công khai, minh bạch.
Công ty đã hợp tác tốt với Trung ương và các cơ quan của Hà Tĩnh trong các mặt hoạt động kể cả công tác an sinh xã hội như bước đầu xây dựng nhà ở cho công nhân; triển khai cấp học bổng cho học sinh.
Thủ tướng cũng ghi nhận những thành tựu của FHS trong việc xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn tại Việt Nam với tổng giá trị trên 11 tỷ USD và là dự án FDI lớn nhất hiện có tại Việt Nam.
Công ty đã tạo công ăn việc làm cho trên 12 ngàn lao động, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương. Người lao động có thu nhập tương đối ổn định.
Kết quả kinh doanh của Công ty đã góp phần giảm nhập siêu ở Việt Nam và trở thành một kênh tăng trưởng tốt ở khu vực Bắc Miền Trung Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp và trách nhiệm của các nhà đầu tư với Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
FHS cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, sâu sắc để “tuyệt đối không bao giờ vi phạm lần thứ 2. Đây là yêu cầu nghiêm khắc của Nhà nước Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát chặt chẽ chỉ số về môi trường tại FHS; tránh tình trạng “tình hình xấu rồi mới chỉ đạo khắc phục”; giữ gìn tốt an ninh, trật tự, an toàn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh; có chế độ phối hợp làm việc hàng quý để xem xét, hỗ trợ giải quyết các khó khăn của công ty.