Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác FDI với nội hàm mở rộng hơn’
Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị để nhìn nhận lại kết quả, hạn chế của 30 năm thu hút FDI.
Thủ tướng cũng đánh giá cao báo cáo tổng kết 30 năm thu hút vốn FDI, biểu dương Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị cùng nhiều hoạt động bên lề, các cuộc gặp gỡ của nhà đầu tư với các bộ, ngành và đây có thể coi là đợt xúc tiến có quy mô lớn.
Thủ tướng ghi nhận những đóng góp, ý kiến quý báu của đại diện các hiệp hội, nhà đầu tư… tại Hội nghị để giúp Việt Nam thu hút, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn FDI giai đoạn tới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhìn lại sau hơn 3 thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới, với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của nhà đầu tư, doanh nghiệp, toàn dân, Việt Nam từ một nước nghèo đã nỗ lực vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình, đời sống ủa người dân được cải thiện rõ rệt.
“Sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ năm 1986, thì đến tháng 12/1987 Luật FDI được ban hành. Hành trình thu hút FDI song hành với sự nghiệp đổi mới của đất nước, minh chứng sinh động cho tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp của khu vực FDI là xuyên suốt trong 30 năm qua, cho thấy khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Bản thân các con số đã nói lên vai trò của khu vực FDI đối với nền kinh tế VN: Hiện khu vực này đóng góp 20% tổng GDP, 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp lớn tổng thu ngân sách, giải quyết hàng triệu việc làm... “Trong đánh giá của các nhà FDI, Việt Nam cũng đã trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất thời gian qua”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhìn thẳng vào hạn chế, thậm chí cả thua thiệt trong thu hút FDI
Ghi nhận những kết quả đạt được, nhưng người đứng đầu Chính phủ cũng muốn nhân dịp tổ chức Hội nghị nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, thậm chí cả thua thiệt trong thu hút FDI thời gian qua.
Thủ tướng chỉ ra, các DN FDI đang sử dụng công nghệ trung bình trong khu vực, chưa có các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ cao, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn ít, liên kết giữa khu vực FDI và trong nước, chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao.
Một số dự án tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, còn biểu hiện báo lỗ, chuyển giá, đầu tư chui, không bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động. Công tác quản lý nhà nước về FDI cũng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, thiếu tư duy chiến lược, chính sách hấp dẫn để thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia…
“Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ nguồn lực FDI cho phát triển. Đây là trách nhiệm của chúng ta, đòi hỏi có giải pháp tổng thể đồng bộ, quyết tâm cao khắc phục các hạn chế”, Thủ tướng nêu rõ.
Sẽ thực hiện chính sách hợp tác FDI với nội hàm mở rộng
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều định hướng mở trong quan điểm thu hút FDI.
“Quan điểm hàng đầu là Việt Nam khẳng định nhất quán, khu vực có vốn FDI luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác FDI với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà cả quản lý, kết nối, mua bán sáp nhập…, từ đó tạo ra nền tảng cho phát triển bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn FDI, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời phải bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ chú trọng thu hút các dự án FDI có tính liên kết cao, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chất lượng cao trong nước, giúp DN trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu, các dự án phải thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tỷ lệ nội địa hóa cao, tiếp cận công nghệ tương lai của cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tập trung làm tốt các nhiệm vụ để thu hút, sử dụng hiệu quả vốn FDI thời gian tới với nhiệm vụ hàng đầu là phải ổn định chính trị, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện khung pháp luật, đảm bảo tương thích, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, phù hợp với các cam kết quốc tế.
“Từ tư duy thụ động phải chuyển sang chủ động. Đồng thời phải giám sát hiệu quả, bảo đảm DN FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư. Ngược lại, các bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng rà soát điều kiện kinh doanh, thủ tục trong lĩnh vực quản lý của mình”, Thủ tướng yêu cầu.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng thay mặt Chính phủ biểu dương nỗ lực vượt bậc của bộ, ngành, địa phương trong 30 năm thu hút FDI, đặc biệt là Bộ KH&ĐT đã có đóng góp hiệu quả vào thành công thu hút FDI 30 năm qua.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới các hiệp hội, đại sứ quán, tổ chức quốc tế đã ủng hộ Việt Nam, cảm ơn các nhà FDI đã tin tưởng lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển của Việt Nam 30 năm qua: “Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe và đồng hành với nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển. Sự thành công của nhà đầu tư chính là sự thành công, niềm tự hào của Việt Nam”.
Nhân Hội nghị, ghi nhận và biểu dương những đóng góp trong sự nghiệp thu hút FDI trong 30 năm qua, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Huân chương lao động hạng Ba cho Cục Đầu tư nước ngoài; Huân chương lao động hạng Ba cho Công ty Samsung Electronics. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 54 tập thể và 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.