Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá mới cho đầu tư công

10:14 | 21/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đầu tư công đã đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong suốt 35 năm đổi mới. Cơ cấu lại đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy.

Ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, cơ quan, đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về nội dung này.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong giai đoạn tới, phải cương quyết xóa bỏ “xin-cho”, chống tiêu cực trong đầu tư công, chấm dứt dàn trải, manh mún, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo khí thế, quyết tâm mới trong phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá mới cho đầu tư công - ảnh 1

 

Đầu tư công đạt kết quả quan trọng

Trong tổng thể vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư công hiện vẫn chiếm tỉ trọng lớn và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cơ cấu đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm dần theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường, và bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh, cũng như khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng. 

Các số liệu của PGS-TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng, và ThS Nguyễn Văn Tùng - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho thấy, tỉ trọng vốn đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội trong 10 năm qua giảm từ 39,04% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 31-34% giai đoạn 2016-2020.

Trong khi đó, hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng lại liên tục được cải thiện, hệ số sử dụng vốn ICOR giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 6,11, cao hơn so với mức gần 6,29 của giai đoạn 2011-2015.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2020, cùng với sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư nhà nước, tăng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và FDI, cơ cấu kinh tế theo thành phần cũng có sự dịch chuyển tích cực, tăng trưởng, đóng góp vào GDP của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên rõ rệt như là kết quả của điều chỉnh giảm của đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng đầu tư của nền kinh tế.

Đây là chủ trương đúng và phù hợp trong bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh và khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng.

Rõ ràng là, trong những năm qua, việc ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và đạt được những kết quả quan trọng.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận cần tiếp tục đổi mới triệt để cách thức quản lý đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải và nâng cao một bước hiệu quả đầu tư.

Việc huy động vốn ngoại là cần thiết, thu hút vốn đầu tư tư nhân là động lực thúc đẩy phát triển nhưng phát huy vốn trong nước mới là quyết định, đảm bảo sứ mệnh chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế đi đúng hướng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ.

“Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ “xin-cho” và chống tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các quy định cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cùng với đó, phải khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để các bộ, cơ quan, địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng.

 Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện.

Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Trong bối cảnh bình thường mới, để thúc đẩy mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã ban hành các luật, cơ chế, chính sách có liên quan như: Luật Đầu tư công năm 2014 và sửa đổi năm 2019; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020… và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả.

Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số quan điểm trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải – vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại cuộc họp và cũng là một “nút thắt” lớn trong phát triển hiện nay.

Theo đó, phải đẩy mạnh triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro. Quan điểm dứt khoát là dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phần xây lắp tại các dự án. Nguồn vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi” đóng vai trò dẫn dắt các nguồn vốn khác.

Trọng Trí

Xem thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh