Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines

Đông Bắc 14:48 | 16/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo quan trọng.

  

 

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty nêu tại hội nghị để xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động cùng với các Tập đoàn, Tổng công ty làm việc với các Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để sớm tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban khẩn trương trình Thường trực Chính phủ các Đề án, Dự án để báo cáo kết quả, trình Bộ Chính trị, Quốc hội.

 

 Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines. Ảnh HVN.

Với Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam -  Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2026, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban trình trong tháng 2.

Về đề án gỡ khó cho Vietnam Airlines, hiện hãng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022-2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vietnam Airlines cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang sửa Nghị định về đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp để Vietnam Airlines có thể thoái vốn tại Pacific Airlines.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận 91.459 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với năm 2022. Công ty lỗ năm thứ 4 liên tiếp với khoản lỗ ròng 5.807 tỷ, song đã cải thiện so với mức lỗ 11.298 tỷ năm trước đó. Việc thua lỗ liên tục khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm 40.957 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu năm, mảng vận tải hàng không đóng góp khoảng 72.145 tỷ đồng, chiếm 78% tổng doanh thu và tăng 40% so với năm 2022. Doanh thu bán hàng tăng gần 2% lên 15.061 tỷ còn 3.227 tỷ là nguồn thu từ hoạt động phụ trợ vận tải và sửa chữa máy bay.

Vietnam Airlines chưa thoát lỗ trong bối cảnh thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình thị trường vận tải hàng không trong ngoài nước gặp nhiều khó khăn do suy giảm cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh. Bên cạnh đó, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Plastine tại Dải Gaza và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý IV và cả năm 2023

Hãng bay này cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022 - 2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mục tiêu lớn thực hiện song song là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản hết năm 2023 của Vietnam Airlines còn 57.617 tỷ đồng. Khoản lỗ luỹ kế lớn khiến vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 16.945 tỷ đồng. Vốn lưu động âm 45.797 tỷ đồng.

Công ty nắm giữ khoảng 3.475 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hành cuối năm 2023. Tổng dư nợ vay của doanh nghiệp cuối kỳ là 27.368 tỷ, bao gồm 9.841 tỷ dài hạn và chỉ giảm khoảng 900 tỷ sau một năm.

Năm qua, doanh nghiệp vay tổng cộng 38.288 tỷ đồng thời trả nợ gốc khoảng 39.596 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay cả năm là 1.555 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022.