Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiên phong trong cách mạng 4.0
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2018, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2018 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, trong năm qua, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với năm 2017.
Về lãi suất, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng.
Tỉ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành thông suốt, NHNN tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ để bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối.
Tín dụng tăng trưởng hợp lý, chỉ ở mức 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đi kèm củng cố và nâng cao hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chế biến, chế tạo, nông nghiệp và tăng tỉ trọng các lĩnh vực này trong nền kinh tế.
“Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác; tái cấp vốn cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cho các TCTD cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất, tỷ giá ở mức hợp lý; điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động quản lý thị trường vàng và ngoại tệ một cách hiệu quả”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Trước những kết quả đã đạt được của ngành ngân hàng, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt vai trò kiểm soát lạm phát ở 3,54% năm 2018. Nỗ lực này được lãnh đạo Chính phủ ghi nhận trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, đồng nội tệ các nước mất giá, lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương liên tục điều chỉnh và đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ vẫn cho rằng, so với khu vực và thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản chưa cao, danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn. Chưa kể, Thủ tướng thẳng thắn nhận xét, trình độ quản lý điều hành ở một số nhà băng còn chưa cao, mô hình bên trong các ngân hàng thương mại còn cồng kềnh, thiếu chuyên nghiệp.
Do đó, Thủ tướng nhận định công nghệ ngân hàng còn khoảng cách đáng kể so với trình độ khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu hành lang pháp lý cần đầy đủ chế tài đảm bảo ngừa rủi ro cho hệ thống cũng như người sử dụng. Theo ông, mất an toàn về công nghệ, rút ruột ngân hàng là mối lo lớn hiện nay. Do vậy, ngành ngân hàng cần nghiên cứu chế tài đón đầu xu hướng phát triển công nghệ ngân hàng, không để bị động như vừa qua. Các ngân hàng cần trang bị lớp cán bộ giỏi về nghề để đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, cơ cấu và chất lượng tín dụng của một số đơn vị cần rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Một số tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu nội bảng thấp nhưng khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn ở mức cao. Nợ xấu trong cho vay tiêu dùng đang tăng.
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng làm sao phải tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cú hích với cả nền kinh tế. Đặc biệt, vấn đề then chốt chính là phát triển mạnh mẽ thanh toán điện tử. Cần tạo ra văn hoá tiêu dùng không tiền mặt trong nhân dân, góp phần giảm tham nhũng, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.