Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy hơn nữa vốn FDI đăng ký mới

16:05 | 02/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại phiên họp tháng 11 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thúc đẩy hơn nữa vốn FDI đăng ký mới.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy hơn nữa vốn FDI đăng ký mới - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
Sáng 2/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phiên họp diễn ra ngay sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV nhằm kiểm điểm tình hình và triển khai những biện pháp điều chỉnh cần thiết với mục tiêu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các thành viên Chính phủ đã tham gia tích cực vào công tác chuẩn bị xây dựng các dự án luật, các dự thảo báo cáo và tham gia tốt phần chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận thành tích trong quản lý, điều hành của Chính phủ thể hiện qua việc hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; trong đó có những chỉ tiêu quan trọng, nhất là tăng trưởng, tạo không khí phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân.

Nhiều thành viên Chính phủ đã tham gia giải trình, làm rõ nhiều nội dung được Quốc hội và cử tri quan tâm.

“Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào Chính phủ,” Thủ tướng nói và nêu rõ, Quốc hội cũng lưu ý một số vấn đề tồn tại trong công tác quản lý điều hành. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm có các biện pháp, rà soát lại tồn tại, bất cập mà Quốc hội nêu ra để khắc phục và sửa chữa.

Thủ tướng cũng nhắc đến nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020-2021 của đất nước và nhấn mạnh đây là sự kiện lịch sử, hiếm có và là những vị trí quốc tế có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động.

Thủ tướng cũng thông tin về kết quả chuyến thăm chính thức Hàn Quốc với nhiều văn kiện hợp tác được ký kết tổng trị giá gần 20 tỷ USD; cho biết Hàn Quốc sẽ tăng cường đầu tư tại Việt Nam, tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, lãnh đạo hai bên cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt 100 tỷ USD kim ngạch song phương hai nước vào năm 2020. Đây là chỉ số khó khăn nhưng cần quyết tâm cao để hoàn thành.

Du lịch tăng trưởng mạnh

Về những nội dung Phiên họp lần này, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá tình hình kết quả 11 tháng và bàn thảo những nội dung triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020; trong đó có việc xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ để chuẩn bị tốt cho Phiên họp Chính phủ mở rộng sẽ diễn ra vào ngày 30/12 tới với sự tham dự, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Khái quát tình hình tháng 11 và 11 tháng năm 2019, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh xu hướng tăng chậm lại của kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á ngày càng rõ nét nhưng tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến tích cực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 vẫn chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Thủ tướng hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay; trong đó giảm 0,5% đối với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,5% xuống 6% với nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ; qua đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và người dân.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá. Đàn gia cầm tăng 12%, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương dần được kiểm soát (có gần 50% số xã trên cả nước không phát sinh dịch 30 ngày qua). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3%, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%. Riêng tháng 11/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến lĩnh vực du lịch với tỷ lệ thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, lần đầu tiên đạt 1,8 triệu khách trong tháng 11, là tháng tăng cao nhất về chỉ số này. 11 tháng đạt gần 16,2 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Thủ tướng cho biết năm 2018, người Hàn Quốc chọn Osaka là thành phố đáng sống, đáng đến thì năm 2019, người Hàn Quốc chọn Hội An và Đà Nẵng.

“Nhiều địa phương mà làm tốt sẽ tạo làn sóng khách quốc tế mới đến Việt Nam," Thủ tướng nói.

Cùng với đó là thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Xuất siêu 9,1 tỷ USD là sự khẳng định kết quả 4 năm liên tiếp xuất siêu. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ công bố việc cán đích 500 tỷ USD trong năm 2019.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng phân tích sâu một số tồn tại cần giải quyết ngay từ nay đến cuối năm. Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát việc phòng chống, xử lý dịch bệnh, phấn đấu duy trì vị trí một trong những nước dẫn đầu xuất khẩu nông sản trong khối ASEAN.

Sản xuất công nghiệp chậm lại ở một số lĩnh vực như sản xuất xe máy, ôtô, phân bón… Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là khâu yếu, chưa có nhiều chuyển biến.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy hơn nữa vốn FDI đăng ký mới. Còn phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới như: văn bằng, chứng chỉ giả, sốt xuất huyết gia tăng, tội phạm có yếu tố nước ngoài, an toàn giao thông, cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ có những đóng góp về các giải pháp mới, sáng kiến mới, những mục tiêu cần đặt ra về kinh tế xã hội, quản lý điều hành để xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2020 có chất lượng, hiệu quả hơn trong năm cuối của nhiệm kỳ.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau Phiên họp tiếp thu các góp ý và hoàn thiện dự thảo. Bên cạnh đó, xây dựng tốt dự thảo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng phải phấn đấu tăng 3 bậc trong năm 2020; phấn đấu giảm biên chế ít nhất là 10% trong năm 2020 như đề nghị của Bộ Nội vụ, phấn đấu tiếp tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng “khát vọng vươn lên”; đổi mới tư duy thoát khỏi thói quen cũ ỷ lại, trông chờ, tạo đột biến rõ nét để tiếp tục đổi mới sáng tạo; cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện những giải pháp mạnh trong cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp cụ thể các giải pháp trong những lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phấn đấu thực hiện toàn diện, vượt mức kế hoạch 2020, nhất là việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận các biện pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra đạt kết quả tốt nhất, trong bối cảnh đất nước sắp bước sang năm 2020 với dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại.