Thừa Thiên - Huế: Cứu sống mẹ con sản phụ mắc COVID-19 trong lúc nguy kịch
Hành trình kì diệu
Ngày 7/9, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, chị N.T.T. (42 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) cùng con gái sức khỏe đã ổn định, xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 đã 3 lần đều âm tính và chuẩn bị xuất viện.
Trước đó, bệnh nhân N.T.T đi từ TP. Hồ Chí Minh về Quảng Nam vào ngày 31/7, cách ly tại Tam Kỳ và được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/8. Lúc này, chị T. đang mang thai gần 35 tuần tuổi.
Ngày 5/8, bệnh nhân T. có biểu hiện hiện ho, sốt kèm khó thở nhiều phải thở oxy nên được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 vào ngày 9/8. Sáng 11/8, chị T. có dấu hiệu chuyển dạ, được chẩn đoán vỡ ối sớm rất nguy kịch, nhau tiền đạo trung tâm chảy máu, nhiễm COVID-19 nên được mổ cấp cứu.
Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được 1 bé gái, nặng 2,2kg và nỗ lực cấp cứu cho bé. Riêng mẹ, được hồi sức tích cực, thở máy nhưng đến 16h30 cùng ngày, sức khoẻ xấu dần, được chỉ định lọc máu liên tục. Đến ngày 13/8, sau 2 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển rất nặng, nguy kịch.
Trong tình trạng khẩn cấp, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ định tiến hành chạy ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) cho bệnh nhân. Sau 45 phút thiết lập và kết nối hệ thống ECMO, tình trạng oxy hóa máu của bệnh nhân được duy trì ổn định.
Đến ngày 22/8, sau 9 ngày hỗ trợ ECMO, 11 ngày lọc máu, chăm sóc và hồi sức tích cực, sức khoẻ sản phụ T. đã dần ổn định và được ngưng lọc máu. Các ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục được tập hô hấp liệu pháp và vận động phục hồi chức năng tích cực.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, đây là trường hợp bệnh nặng và khó vì bệnh nhân mắc COVID-19 trong khi mang thai, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Đến ngày xuất viện, em bé phát triển tốt, khỏe mạnh, cân nặng 3,2kg.
Sáng cùng ngày 7/9, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân- Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM (số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) đã chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.
Cụ thể, đến ngày 7/9, đã có đã có 18 bệnh nhân COVID-19 nặng, lớn tuổi, nhiều bệnh nền, được Trung tâm này điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện.
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 vào điều trị từ ngày 24/8. Đây là tuyến điều trị cao nhất, chủ yếu tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch ở TP.HCM. Những bệnh nhân này đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng.
Sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị hơn 300 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong số này, có hơn 100 bệnh nhân phải thở máy, đặc biệt có nhiều ca bệnh phải lọc máu liên tục, sử dụng kỹ thuật ECMO.
Sẵn sàng, chủ động trước làn sống dịch COVID-19
Ngày 6/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức họp trực tuyến để lên phương án về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu biểu dương cả hệ thống chính trị từ tỉnh, đến huyện, xã, thôn đã nỗ lực bảo vệ thành quả phòng chống dịch, đến thời điểm hiện tại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm như giám sát người hoàn thành cách ly tập trung về cách ly tại nhà, công tác lấy mẫu, xét nghiệm... Đánh giá dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành xây dựng kịch bản cao hơn với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. “Sẵn sàng, chủ động các tình huống xấu dịch bệnh có thể xảy ra”.
Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc, nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa”. Tiếp tục kết hợp hài hòa bài toán phòng chống dịch với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, nhất là chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao ý thức người dân trong tham gia phòng chống dịch bệnh, thực hiện 5K, nghiêm túc trong việc thực hiện phòng chống dịch ở đám giỗ, đám tang; đặc biệt, các địa phương, cụm dân cư đang thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, cách ly tạm thời phải thực hiện nghiêm“ai ở đâu ở yên đó”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, thời gian tới công tác phòng chống dịch tiếp tục gặp những khó khăn khi dự báo số người trở về địa phương tiếp tục tăng khi các tỉnh phía Nam hết thời gian giãn cách xã hội, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo thống nhất của Chính phủ đó là “chống dịch như chống giặc”. Đối với các địa phương, đơn vị chưa kiện toàn Ban chỉ đạo và thiết lập trung tâm chỉ huy phòng chống dịch thì phải kiện toàn ngay; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung trở về nhà tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh, các địa phương phải hết sức thận trọng việc giám sát số đối tượng này tại nhà, tránh lây lan cho người trong nhà và cộng đồng. Các trường hợp nghi nhiễm phải thần tốc truy vết. Khẩn trương tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đối với các địa phương, cụm dân cư đang thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, cách ly tạm thời phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch; chính quyền địa phương phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Về công tác dạy và học cho năm học mới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục triển khai theo kế hoạch đã được Ban chỉ đạo thống nhất, ưu tiên cho việc dạy học qua truyền hình và trực tuyến (online) trên các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với các địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp sóng truyền hình và việc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân gặp khó khăn thì lãnh đạo địa phương đó đề xuất phương án cụ thể để triển khai dạy học, không để việc học tập của các em học sinh bị gián đoạn.
Hiện tại, tổng số ca bệnh ở Thừa Thiên – Huế ghi nhận từ 28/4 đến nay là 716 trường hợp; trong số này, 331 ca đang điều trị, có 382 ca được điều trị khỏi bệnh, 3 trường hợp tử vong.
Toàn tỉnh đang có 1.249 trường hợp F1 và 3.565 trường hợp F2 đang cách ly theo dõi; có 6.767 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú.
Xem thêm: Hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ công an phía Nam tham gia chống dịch Covid-19