Bất động sản Huế hưởng lợi từ quy hoạch lên thành phố cấp Trung ương

Đông Bắc 18:21 | 27/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thừa Thiên Huế sẽ được quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo dạng mô hình "chùm đô thị, đa trung tâm". Đây sẽ là cơ hội để bất động sản Huế bứt phá trong tương lai.

 

Ngày 22/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến các địa phương cấp huyện, cấp xã về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: "Ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg, làm cơ sở để tỉnh tiến hành tổ chức lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch".

Ông Hoàng Hải Minh cho biết, do tính cấp bách về tiến độ triển khai đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2024. Vì vậy, đối với đồ án quy hoạch chung phải đạt mục tiêu hoàn thành đồ án trình phê duyệt trong tháng 4/2023.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai được xác định theo dạng mô hình "chùm đô thị, đa trung tâm", vươn ra biển và dựa trên nền tảng của hệ thống di tích Cố đô Huế, các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể, các cơ sở văn hóa tâm linh phật giáo và các thắng cảnh thiên nhiên sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang... là điểm đến hấp dẫn di sản văn hóa thế giới.

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn cũng đã báo cáo nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế. Theo đó, khu vực cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản, công nghiệp, dịch vụ phía Tây Bắc của Thừa Thiên - Huế....

Phân vùng đô thị trung tâm là đô thị lớn, hạt nhân có vai trò động lực của Thừa Thiên - Huế; trung tâm văn hóa, trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế; Phân vùng đô thị phía Nam, khu vực cửa ngõ phía Đông Nam kết nối đi Đà Nẵng - Quảng Nam. Khu vực này phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Khu vực cửa ngõ phía Tây, phát triển đô thị sinh thái, du lịch, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp... 

 Thừa Thiên Huế sẽ được quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh BTTH.

Để đưa trở thành thành phố cấp Trung ương, Thừa Thiên Huế định hướng phát triển không gian quận Bắc sông Hương, phạm vi hành chính gồm các phường phía Bắc sông Hương và nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành phường Hương Hồ trở thành Đô thị trung tâm thành phố trực thuộc Trung ương, di sản văn hóa thế giới, du lịch, Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế của Thành phố Thừa Thiên - Huế.

Phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I, lấy Kinh thành Huế làm điểm nhấn, khu vực Phố cổ Bảo Vinh, làng nghề truyền thống Kim Long, cùng các khu vực di tích lịch sử như khu lăng mộ được bảo tồn trên nguyên tắc tuân thủ theo luật pháp, quy hoạch và chỉ đạo của các cấp chính quyền, mở rộng chức năng du lịch và nâng cao giá trị lịch sử văn hóa thông qua các dự án trùng tu và khôi phục các di tích lịch sử...

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai lấy ý kiến người dân về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Theo kết quả bình chọn trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh đến ngày 21/3/2023, phương án tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đa số người dân đều chọn tên gọi thành phố Huế với tỷ lệ 88,3%/9481 lượt bình chọn.

Người dân đa số cũng chọn phương án thành lập 3 quận (quận phía Bắc, quận phía Nam, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện với tỷ lệ 66,4%/9620 lượt bình chọn.

Trong đó nhiều ý kiến bình chọn cho tên gọi quận phía Bắc là Phú Xuân và quận phía Nam là Thuận Hóa.

Cơ hội cho bất động sản Huế bứt phá

Với thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế, đất nền TP Huế đang dần được "mắt xanh" của các nhà đầu tư lớn để ý tới.

Trong vòng 3 năm qua, các "ông lớn" đã liên tục đầu tư vào Huế. Đáng kể nhất phải nhắc đến là VinGroup với dự án Vincom Tứ Hạ. Sau đó là Apec Group, Minh Linh. Và Vneco Thừa Thiên Huế, Bitexco với khu nghỉ dưỡng Mỹ An…  

Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên-Huế ưu tiên dành ngân sách "khủng" phát triển hạ tầng, nâng cấp giao thông, kích thích phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tạo đòn bẩy thúc đẩy thị trường bất động sản.

Ngay đầu năm, Thừa Thiên Huế hoàn thành nâng cấp đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp, nhằm thúc đẩy khu vực, thu hút nhà đầu tư vào Khu đô thị mới An Vân Dương. Cùng với đó là hàng loạt dự án trọng điểm 2023 như nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu và một số tuyến nội thị, chỉnh trang đô thị, kết nối hạ tầng TP Huế mở rộng.

Các dự án này tăng thoát nước, giảm thiểu ngập các tuyến kết nối các khu đô thị mới và trug tâm hành chính tập trung. Nhờ vậy,  thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế cũng có thêm nhiều tín hiệu lạc quan, khởi sắc.

Đặc biệt, Trung tâm Hành chính công Thừa Thiên Huế hoạt động từ 5/1 là bước tiến lớn, thuận lợi giải quyết nhanh các thủ tục bất động sản. Cải cách thủ tục hành chính là điểm sáng để tỉnh trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư lớn.

Trung tâm Thương mại AEON Mall Huế vừa khởi công ngày 11/2 là dự án được kỳ vọng tạo lực đẩy mọi mặt đời sống kinh tế xã hội địa phương.

Thực thế, shophouse khối đế Nera Garden là một trong các dự án tiêu điểm, sôi động ngay khi Aeon Mall khởi động. Bởi lẽ Nera Garden nằm tại giao lộ vàng 4 đại lộ Tố Hữu - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Quốc Việt - QL49.

Đặc biệt cùng với việc tỉnh đầu tư đại lộ Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đưa Nera Garden trở thành tâm điểm kết nối trung tâm TP Huế với các vùng vệ tinh lân cận một cách thuận tiện...

 Thừa Thiên Huế thu hút được nhiều nhà đầu tư BĐS lớn. Ảnh BĐS.

Giá nhà đất tại Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức nào?

Theo báo cáo thông tin nhà ở và thị trường bất động sản năm 2022 từ Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, tình hình kinh doanh bất động sản tại địa phương đầu năm qua có dấu hiệu khôi phục trở lại, nhưng đến những tháng cuối năm lại trầm lắng, lượng sản phẩm bán ra của các dự án không nhiều.

Diễn biến tình hình thị trường BĐS năm 2022 không mấy khả quan, nguồn cung có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người có nhu cầu ở thực. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhiều nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Giá BĐS có dấu hiệu chững lại, một số dự án phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại,...

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, giá bán đất nền trên địa bàn tỉnh hiện đang dao động ở mức từ 8-35 triệu đồng/m2.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong quý III/2022, toàn tỉnh có 2.480 giao dịch đất nền và 136 giao dịch nhà ở riêng lẻ.

Hiện giá bán đất nền trên địa bàn tỉnh đang dao động ở mức 8-35 triệu đồng/m2; giá bán nhà ở riêng lẻ dao động ở mức 17,5-22,5 triệu đồng/m2; giá bán chung cư là 25 triệu đồng/m2; giá bán nhà ở xã hội là 17,5 triệu đồng/m2.

Giá đất thông qua đấu giá: Bước sang năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành đấu giá đất tại nhiều địa phương.

Đầu tháng 3, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) vừa ra thông báo đấu giá tài sản  của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang.

Cụ thể là quyền sử dụng đất gồm 10 lô đất tại Khu quy hoạch dân cư thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Diện tích các lô đất từ 150 m2/lô đến 227,5 m2/lô.

10 lô đất có mức giá khởi điểm từ 4 đến 5,5 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của các lô đất là hơn 8,1 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 2, Công ty đấu giá hợp danh số 2 STC thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang.

Cụ thể là quyền sử dụng đất gồm 12 lô đất tại khu quy hoạch dân cư thôn Vĩnh Lương Khê, xã Phú Lương, huyện Phú Vang. Diện tích các lô đất từ 122,5 m2/lô đến 182,5 m2/lô.

12 lô đất có mức giá khởi điểm từ 7,2 đến 7,5 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của các lô đất là hơn 11,5 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 1, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh Vạn Phúc vừa ra thông báo đấu giá tài sản.

Cụ thể là quyền sử dụng đất gồm 7 lô đất tại khu quy hoạch dân cư thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang. Diện tích các lô đất từ 127,5 m2/lô đến 300 m2/lô.

7 lô đất có mức giá khởi điểm từ 9 đến 15 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của các lô đất là hơn 11,45 tỷ đồng. Mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài.

Tại huyện Phong Điền, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phong Điền.

Cụ thể là quyền sử dụng đối với 26 lô đất tại khu dân cư Xạ Biêu (giai đoạn 2) thuộc tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền. Diện tích các lô đất từ 231,2 m2/lô đến 425,4 m2/lô.

26 lô đất có mức giá khởi điểm từ 5,5 đến 8,3 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của các lô đất là hơn 50,44 tỷ đồng. Mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị với thời hạn sử dụng lâu dài.

Huyện Quảng Điền cũng ra thông báo thông báo đấu giá tài sản. Cụ thể là quyền sử dụng đối với 6 lô đất tại khu dân cư phía bắc trung tâm thương mại thuộc khu quy hoạch bến xe khách huyện Quảng Điền. Diện tích các lô đất từ 138,4 m2/lô đến 143,5 m2/lô.

6 lô đất có mức giá khởi điểm từ 7,5 đến 8,5 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của các lô đất là hơn 6,66 tỷ đồng. Mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài...

Thừa Thiên Huế đang chuyển mình. Ảnh TTXVN.

Phân khúc bất động sản nào được kỳ vọng sẽ khởi sắc?

Ông  Nguyễn Phước Bửu Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chia sẻ về tình hình bất động sản của địa phương trên Reatimes.

Ông Hùng cho biết: Trong năm 2022, thị trường bất động sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đối diện với nhiều khó khăn và biến động. Cụ thể, cả nguồn cung và sức mua trên thị trường có dấu hiệu giảm sút, giao dịch giảm. Nguyên nhân của tình trạng này thứ nhất là do thủ tục pháp lý hiện còn những vướng mắc chưa được tháo gỡ, nhất là đối với các chủ đầu tư tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

Thứ hai là nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản bị siết chặt. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ vốn tín dụng dành cho bất động sản là khoảng 30%, đây là con số tương đối thấp.

Yếu tố thứ ba là vấn đề định giá đất cho các dự án đầu tư bất động sản hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, kể cả dự án sơ cấp và thứ cấp.

Đưa ra dự báo thế nào về thị trường bất động sản Thừa Thiên - Huế trong năm 2023, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng cho hay: Bước sang năm 2023, các chính sách pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản nhà ở sẽ chưa có chuyển biến lớn. Cụ thể là Luật Đất đai hiện nay đang được Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu để điều chỉnh, tuy nhiên chưa thể nhanh được. Có lẽ đến cuối năm 2023 mới có thể thông qua được một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc về thị trường bất động sản nhà ở, như về thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án bất động sản nhà ở. Cùng với đó, Luật Nhà ở cũng đang được nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với việc sửa đổi Luật Đất đai. Hay Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư cũng vậy...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có nhiều dự án về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp đã, đang được kêu gọi đầu tư và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Cụ thể là trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có khoảng 33 dự án đã và đang được kêu gọi đầu tư. Các dự án này trải dài theo ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc.

Quá trình đầu tư này phù hợp với những chỉ đạo của Bộ Chính trị tại hội nghị mới đây về quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó chú trọng phát huy ưu thế biển, bao gồm loại hình về kinh doanh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Do vậy, theo tôi bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2023 sẽ phát triển mạnh chứ không sụt giảm như bất động sản nhà ở.

Còn bất động sản công nghiệp, thương mại dịch vụ đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang trên đà phát triển. Chẳng hạn có dự án đầu tư về hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài Gilimex. Dự án này vừa được khởi công xây dựng, triển vọng khá tốt, đẩy nhanh tốc độ phủ lấp dự án trong các khu công nghiệp. Hay các dự án bất động sản về thương mại dịch vụ mang tầm cả nước như dự án khu thương mại Aeon Mall tại khu A - Khu đô thị mới An Vân Dương… Đây là sự khởi sắc đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 Thừa Thiên Huế đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Tập đoàn Bia Carlsberg (Đan Mạch), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty Scavi (Pháp), Công ty China Everbright International Limited (Trung Quốc), Tập đoàn Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Luks HongKong, Công ty CP (Thái Lan), Tập đoàn SBH (Tây Ban Nha)… với những dự án mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong nước và quốc tế.