Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng mạnh nhất trong 4 tháng
Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, vào tháng 9, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (tức PCEPI lõi) đã tăng 0,3% so với tháng trước.
PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động.
Kết quả này phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát và chỉ cao hơn 0,1 điểm % so với số liệu tháng 8. Tuy nhiên, đây là mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua.
Trong khi đó, khi so với cùng kỳ năm trước, PCEPI lõi tăng 3,7%, thấp hơn số liệu tháng 8 khoảng 0,1 điểm %.
Nếu bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, PCEPI toàn phần tăng 0,4% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ năm trước, cả hai đều giống kết quả của tháng 8.
Ngay cả khi giá cả gia tăng, chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng Mỹ vẫn mạnh lên. So với tháng trước, thước đo này tăng 0,7% trong tháng 9, cao hơn ước tính 0,5% của các nhà kinh tế.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ còn chỉ ra, thu nhập cá nhân của người dân tăng 0,3% so với tháng trước, thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo.
Fed thường tập trung vào lạm phát lõi vì số liệu này cung cấp bức tranh tổng quát hơn về xu hướng của giá cả trong dài hạn.
Lạm phát tính theo PCEPI lõi đạt đỉnh khoảng 5,6% vào tháng 6/2022 và đang trên đà hạ nhiệt kể từ đó, dù vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vừa bước vào quý IV, áp lực lạm phát phình to và nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ổn định có thể buộc Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn, theo Bloomberg.
Trong khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng sẽ chậm lại trong những tháng tới, giới chức Fed lại cảnh báo rằng dữ liệu mạnh lên có thể buộc họ phải tiếp tục thắt chặt chính sách.
Song, các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào đầu tuần tới. Việc lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng mạnh, có lúc vượt mức 5% trong tuần này, khiến Fed trở nên thận trọng hơn.
Chi tiêu tiêu dùng được thúc đẩy bởi cả hàng hoá và dịch vụ, bao gồm xe ô tô, thuốc theo toa và du lịch quốc tế. Bệ đỡ quan trọng nhất cho chi tiêu của người tiêu dùng là sức mạnh của thị trường lao động.
Tuy nhiên, các yếu tố khác, chẳng hạn như việc khối tài sản của các hộ gia đình tăng kỷ lục vào đầu năm nay cùng các khoản tiết kiệm từ đại dịch, cũng giúp đỡ đáng kể cho người tiêu dùng.
Dữ liệu được công bố vào ngày 26/10 cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Tăng trưởng GDP đạt kết quả khả quan cũng là nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.
Các nhà kinh tế dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 0,7% trong quý IV, một phần do chi phí đi vay lên cao hơn nữa và các hộ gia đình ngày càng gặp khó khăn khi mua những mặt hàng giá trị lớn.
Ngoài ra, việc chính phủ khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên và chiến sự tại Trung Đông cũng có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.