Thương mại điện tử lên ngôi “nhờ” dịch COVID-19

15:52 | 06/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ảnh hưởng bởi COVID-19, trái lại với sự trì trệ của tiêu dùng trực tiếp, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng tới 41% sau đại dịch.

Theo báo cáo của Adsota và SOL Premier, các nền tảng thương mạid điện tử tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng từ những người dùng mới lên tới 41%. Đáng chú ý, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng thương mại điện tử này kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành “miếng bánh hấp dẫn” tại khu vực Đông Nam Á.  

Thương mại điện tử lên ngôi “nhờ” dịch COVID-19 - ảnh 1

Dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ảnh minh họa.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy, năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 15%.

Google, Temasek và Bain & Company cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta có thể đạt 52 tỷ USD và là một trong những thị trường thương mại điện tử giàu tiềm năng nhất trong khu vực.

Thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam được cho là đang nhanh chóng trở thành "miếng bánh hấp dẫn" hàng đầu cho thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân cho sự tăng trưởng đột phá này là do quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ Chính phủ đã khiến người tiêu dùng phải tìm cách thích nghi với việc mua sắm từ xa mà không phải bước chân ra khỏi nhà.

Trước ảnh hưởng rõ rệt của đại dịch COVID-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, họ có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.

Những mặt hàng có mức chi tiêu tăng trưởng mạnh trong mùa dịch là các mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), dịch vụ Internet, nhà ở - tiện ích và chăm sóc sức khỏe.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, tác động dịch COVID-19 đang mang lại “cú hích” cho kinh tế số bằng 5 - 7 năm cộng lại. Doanh nghiệp đứng trước một yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi số, phải chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến để có thể cạnh tranh và tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến những khuôn khổ pháp luật, để thực hiện các hoạt động kinh tế, kinh doanh của mình trong môi trường trực tuyến phù hợp với pháp luật.

PV

Xem thêm: Thêm 102 ca nhiễm COVID-19 mới sau 6 giờ, Bắc Giang vẫn chiếm đa số