Thuỷ sản MeKong (AAM) lãi ròng 13,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Trang Mai 13:53 | 13/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luỹ kế 9 tháng 2022, Công ty Cổ phần Thuỷ sản MeKong (AAM) báo doanh thu thuần đạt 169,6 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ 2021 và lãi ròng 13,6 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với con số âm 4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III, AAM đạt doanh thu thuần 46,4 tỷ đồng, tăng mạnh 237% so với cùng kỳ 2021. Lãi gộp Công ty thu về hơn 5 tỷ đồng. Đạt doanh thu cao nên dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 136% và 126% nhưng AAM vẫn có lãi ròng 2,6 tỷ đồng, tăng 1.768% so với cùng kỳ 2021 (tương đương hơn 2,5 tỷ đồng). 

Luỹ kế 9 tháng 2022, AAM có doanh thu thuần 169,6 tỷ đồng, tăng 133% so với 9 tháng 2021. Lãi ròng Công ty thu về là 13,6 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với con số âm 4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

 

Công ty cho biết những tín hiệu tích cực trên thị trường, nhất là quốc tế là bước đệm cho sự tăng trưởng doanh thu của AAM. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho thấy những tín hiệu sáng từ thị trường quốc tế. Cụ thể, trong tháng 9, xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Theo Vasep, lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm thuỷ sản, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân. Cùng đó, xuất khẩu các sản phẩm hải sản như cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55% trong tháng 9/2022. 

Về tình hình tài chính, tính đến 30/9/2022, AAM có tổng tài sản 223 tỷ đồng, tăng 11% từ đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 93 tỷ đồng, bao gồm đầu tư chứng khoán 4,1 tỷ đồng và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 89 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 53,5 tỷ đồng, giảm 37% so với đầu năm. 

Tổng nợ của AAM đến hết quý III/2022 là 15 tỷ đồng, tăng 121% so với số đầu năm, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn 8 tỷ đồng, trả người lao động 2,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn hơn 1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối kỳ ghi nhận 208 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng. 

 

Về lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh ghi nhận dương 48 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với 9 tháng 2021, chủ yếu do kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Dòng tiền đầu tư âm 89 tỷ đồng do Công ty trích 107 tỷ đồng để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Tính chung trong kỳ, dòng tiền thuần âm 41 tỷ đồng. Do đó, tại 30/9, tiền và tương đương tiền đạt 21,7 tỷ đồng, giảm 13,2% so với đầu năm. 

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021, Ban lãnh đạo AAM nhận định, trong năm 2022 và 5 năm tiếp, mặt hàng cá tra vẫn được ưa chuộng (Trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ mặt hàng cá tra). Đây vẫn là sản phẩm chiến lược của quốc gia, nhà nước tiếp tục ban hành chính sách đặc thù để phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm này.

Những lợi thế Công ty đang có là nguồn tự chăn nuôi và hợp tác đầu tư với nông dân vẫn ổn định; tài chính công ty vững mạnh; mặt bằng, nhà xưởng còn đủ đáp ứng cho việc phát triển thêm ngành hàng mới; Lực lượng lao động dần được cải thiện.

Giai đoạn khó khăn từ những năm 2019 đến nay vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn, do đó trước mắt năm 2022, công ty dự kiến vẫn không chia cổ tức. Từ năm 2023 chia cổ tức ở mức 5% đến 6%/năm, sau đó sẽ tiến lên mức 10%/năm.

Bên cạnh đó, AAM cũng gặp không ít thách thức khi thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn hạn chế vì các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn. Ảnh hưởng xấu từ dịch Covid-19 vẫn còn lớn, nhất là việc tăng chi phí đầu vào và biến động lực lượng lao động.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi cá tra đang trong giai đoạn suy thoái dần. Nhất là ở khu vực nông dân bên ngoài do con giống thoái hóa, bệnh tật, môi trường nuôi bị ô nhiễm; Cạnh tranh không lành mạnh trong ngành vẫn còn tiếp diễn; Giá đầu vào chuyển biến tăng nhanh như lương, điện, xử lý nước thải, vật tư, bao bì, trong khi giá bán chuyển biến không kịp thời vì còn hiện tượng bán phá giá, tranh giành khách hàng; Nhà xưởng, trang thiết bị đã đến hạn cần đầu tư nâng cấp phải tốn kém chi phí cao.

Do đó, trong năm 2022 và 5 năm tới, Công ty sẽ tiếp tục chăn nuôi cá tra và chế biến mặt hàng cá tra fillet xuất khẩu; Tiếp tục liên kết điều hành Cty Cổ Phần VLXD Motilen Cần Thơ; Giữ vững thị trường truyền thống và phát triển mạnh ở thị trường mới nổi như Trung Quốc, Châu Mỹ, khối Á Rập. Phương hướng chủ yếu là trụ vững, bảo tồn vốn để từ năm 2022 trở đi dự kiến sẽ phát triển sản xuất kinh doanh có lãi. Thực hiện chia cổ tức hàng năm từ 5% đến 8%/năm.