Thuỷ sản Bến Tre (ABT): Lãi ròng 6 tháng vượt 310 tỷ đồng, gần bằng mức thực hiện cả năm 2021
Trong quý II năm nay, ABT đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 178,3 tỷ đồng, tăng 129,5% so với quý II/2021. Trừ giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp công ty thu về hơn 35,8 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với 10,9 tỷ đồng cùng kỳ trước.
Doanh thu hàng bán tăng mạnh, cộng với doanh thu tài chính cao gấp 30,8 lần cùng kỳ đã giúp cho lợi nhuận ròng ABT tăng vọt. Quý II/2022, ABT báo cáo lãi ròng đạt hơn 31,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức chỉ 1,1 tỷ đồng trong quý II/2021.
Lũy kế 6 tháng, ABT đạt 311,6 tỷ đồng doanh thu thuần và 39,5 tỷ đồng lợi nhuận thuần sau thuế, tương ứng tăng 123% và 120,7% so với nửa đầu 2021. Biên lãi gộp tăng lên 20,1% từ 14,1% trong kỳ trước.
Giải trình biến động lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, phía ABT cho biết, nguyên nhân chủ yếu do công ty đã đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất, tận dụng tối đa nguồn lực sản xuất nên giá thành sản phẩm giảm. Bên cạnh đó giá bán cũng tăng nhẹ.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, dù công ty vẫn duy trì hoạt động nhưng giá thành và các chi phí phát sinh thêm để phòng chống dịch đã làm lợi nhuận 6 tháng năm 2021 giảm mạnh. Do vậy, so sánh trên nền lãi ròng rất thấp của nửa đầu năm 2021, lãi ròng nửa đầu năm 2022 của doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 2,2 lần lên 39,5 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của ABT tăng 16,7%, lên 693,6 tỷ đồng từ mức 594,3 tỷ đồng tại đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 379,4 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 314,2 tỷ đồng.
Chiếm chủ yếu trong cơ cấu tài sản dài hạn của ABT là hàng tồn kho với 147,2 tỷ đồng; tiền và các các khoản tương đương tiền 111,8 tỷ đồng (bao gồm 100,1 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 260 triệu đồng tiền mặt và 10,5 tỷ đồng các khoản tương đương tiền), còn lại là đầu tư tài chính ngắn hạn với 48 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 70 tỷ đồng.
Trong tài sản dài hạn, khoản đầu tư tài chính vào Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản) chiếm 187,2 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính, ABT cho biết, tại ngày 30/6/2022, giá trị thị trường của khoản đầu tư này là 475,6 tỷ đồng. Ngoài ra, tài sản cố định là 87 tỷ đồng, tài sản dở dang và các tài sản khác chiếm 40 tỷ đồng.
Tổng nợ của ABT tại ngày 30/6/2022 là 244,1 tỷ đồng, tăng 38,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 240,3 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3,7 tỷ đồng. Khoản vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 169,8 tỷ đồng, tương đương 70,7% nợ ngắn hạn và 69,6% tổng nợ (bao gồm 91,6 tỷ đồng vay từ ngân hàng HSBC chi nhánh TP HCM; 54,8 tỷ đồng vay từ Vietcombank; 17,7 tỷ đồng vay từ ngân hàng TNHH CTBC chi nhánh TP HCM và 5,7 tỷ đồng vay từ ngân hàng chính sách xã hội Bến Tre).
Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 30/6 của ABT là 449,6 tỷ đồng, tăng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của ABT đến cuối quý II/2022 là 0,54 lần.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, ABT ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 44,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 9,5 tỷ đồng trong kỳ trước. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 37,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản 48 tỷ đồng chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác và 6,8 tỷ đồng chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 36,1 tỷ đồng, do tiền thu từ đi vay trong kỳ đạt 164 tỷ đồng và thu từ phát hành cổ phiếu 5,4 tỷ đồng nhưng chỉ trả nợ gốc vay 122 tỷ đồng và trả cổ tức 11,5 tỷ đồng.
Nhìn chung, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 43,1 tỷ đồng, làm Tiền và tương đương tiền trong kỳ tăng lên 111,7 tỷ đồng.
Thống kê của VietstockFinance cho thấy trong quý II/2022, tổng doanh thu của hơn 20 doanh nghiệp ngành thủy sản trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt trên 16,78 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đạt 30,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 34%.
Doanh thu tăng mạnh, trong khi giá vốn hàng bán tăng ít hơn, cộng với doanh thu tài chính cao gấp đôi cùng kỳ đã giúp cho lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tăng vọt. Riêng quý II, tổng lợi nhuận ròng ước đạt hơn 1,66 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 2,9 ngàn tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ.