Doanh nghiệp thuỷ sản tìm hướng đi mới để giảm tác động từ lạm phát
Theo báo cáo mới nhất của Vasep, trong tháng 9, xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Lạm phát làm giảm nhu cầu nhiều sản phẩm thuỷ sản, nhưng cá tra vẫn là mặt hàng lợi thế vì có giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng bình dân. Xuất khẩu các sản phẩm hải sản như cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55% trong tháng 9/2022.
Một tín hiệu đáng lưu tâm là xuất khẩu tôm trong tháng 9 đạt gần 350 triệu USD, tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong các sản phẩm chính. Thiếu tôm nguyên liệu trong khi nhu cầu tại các thị trường đang chững lại vì lạm phát giá, khiến mức tăng xuất khẩu tôm tháng 9 giảm so với tháng trước.
Về triển vọng xuất khẩu mặt hàng tôm, tại hội thảo “Nhu cầu và xu hướng thủy sản hậu COVID-19”, tiến sĩ Hồ Quốc Lực - nguyên chủ tịch VASEP, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) chia sẻ: “Sản lượng tôm toàn cầu đang ở mức khoảng 5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm. Cường quốc nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng cao là Ecuador, Ấn Độ. Kế tiếp là Việt Nam và Indonesia. Trung Quốc và Thái Lan thấp nhất. Trình độ chế biến sâu của chúng ta vẫn thấp hơn Ấn Độ, Ecuador, giá thành tôm ở Việt Nam khá cao. Đây chính là trở lực của tôm Việt ra ngoài thế giới”.
Cũng theo ông Lực, chi phí logistic tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các thị trường. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc nuôi và xuất khẩu tôm ngày càng gay gắt, các nước đều cố gắng phát huy thế mạnh để có thể chiếm lĩnh thị trường. Ví dụ như tôm Ecuador có giá rẻ, vị trí địa lý lại gần Hoa Kỳ, chi phí vận chuyển thấp hơn so với các nước ở Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á. “Chi phí vận chuyển 1 container từ Việt Nam sang Mỹ mất 20.000 USD, thì với Ecuador chỉ mất 4.000 USD” - Chủ tịch FMC cho biết.
Đánh giá lại vị thế từng thị trường trong bối cảnh lạm phát
Doanh nghiệp xuất khẩu hiện phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, từ những khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng hậu COVID-19 cho đến tác động của xung đột Nga - Ukraine và vấn đề lạm phát trên toàn cầu. Hàng loạt dự báo về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu có nguy cơ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều thị trường, khiến sản lượng xuất khẩu không được như kỳ vọng.
Theo World Aquaculture Society, nhiều sản phẩm nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các thị trường thủy sản lớn là Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, được các nhà kinh tế gọi là sản phẩm co giãn theo giá. Độ co giãn của giá đề cập đến lượng cầu thay đổi bao nhiêu khi giá thay đổi. Các sản phẩm thủy sản co giãn theo giá nhìn chung phải đối mặt với lượng cầu giảm khi giá tăng.
Với việc giá cả ngày càng tăng, người tiêu dùng phải đánh giá lại chi tiêu của mình và tập trung đầu tiên vào việc mua những mặt hàng thiết yếu nhất của họ (thường không bao gồm thuỷ hải sản dành cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu). Vì vậy, mặc dù tăng chi phí sản xuất, nhiều nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn trong việc chuyển các khoản tăng chi phí này đến tay người tiêu dùng.
Nhận định về tình hình lạm phát của nhiều cường quốc và sự ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực nhận xét rằng, mức lạm phát ở những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đều rất cao. Sức tiêu thụ không như ý. Đã có nhiều đơn hàng bị huỷ hay giãn thời gian giao hàng do sức tiêu thụ giảm.
Chẳng hạn trên thị trường tôm, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt "thất thế" so với thế mạnh của các nước nuôi tôm thì cần biết cách chuyển hướng, xác định thị trường xuất khẩu mục tiêu trong từng giai đoạn để giữ vững được hiệu quả trong ngành. Trong thời gian này, các doanh nghiệp cần duy trì vị thế hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Úc, Trung Quốc, Canada, Hoa Kỳ…
"Với thị trường Trung Quốc, đây là nước vừa nhập khẩu nhiều, đồng thời cũng tiêu thụ và cũng là nước xuất khẩu. Chúng ta cần quan tâm đến để xác định đây có phải thị trường lớn, lâu dài của Việt Nam hay không. Với đặc điểm có rất nhà máy chế biến, thị trường này nhập khẩu rất nhiều tôm sơ chế. Tuy nhiên, chúng ta có thể duy trì mặt hàng tôm sú luộc với giá thành cao ở thị phần này.
Còn với Hoa Kỳ, nước ta chỉ có thể xuất khẩu tôm chế biến sâu. Hiện nay 3 nước chiếm đến 80% xuất khẩu vào thị trường này là Ấn Độ 40%, Indonesia 20% và Ecuador 20%. Việt Nam đứng thứ 4 với 9-10%. Các đối thủ của tôm Việt vừa có lợi thế về giá, vừa không phải chịu thuế chống bán phá giá nên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên chúng ta cần vượt qua ngưỡng chế biến của 3 nước để có chỗ đứng vững chắc" - nguyên chủ tịch VASEP nói.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo FMC nhận định doanh nghiệp sẽ tiếp tục giữ vững thị phần ở hai thị trường lớn là Nhật Bản và Mỹ, tuy nhiên sẽ chuyển hướng và tìm giải pháp nâng cao thị phần ở EU, Hàn Quốc, Úc.
Không chỉ FMC, CTCP Tập đoàn Minh Phú (mã: MPC) cũng không còn tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ. Trong ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua các nội dung quan trọng trong kế hoạch kinh doanh, đại diện Công ty cho biết hệ thống cảng biển, kho ở Mỹ hiện tại đã quá tải, do đó Minh Phú sẽ thay đổi chiến lược là giảm thị phần ở thị trường Mỹ, đẩy mạnh sang các thị trường khác. Ban đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì tính toán giá là có lời, nhưng đến khi bán được hàng thì chi phí lưu kho, lưu bãi đã ngốn hết, còn lỗ thêm.
“Mặc dù thuế giảm, nhưng chi phí tại Mỹ tăng hơn nhiều lần, kinh doanh vào Mỹ nhưng không có lợi nhuận thì sẽ không bán nữa, ở đâu có lợi nhuận tốt sẽ đẩy mạnh bán hàng vào đó” - đại diện MPC nhận định.