Tiền mất tật mang vì nhờ "cò" chạy giấy tờ đất đai vi phạm
Vì xây dựng căn nhà sai với mẫu được thiết kế, ông Phạm Phi Cát (P.1, Q. Tân Bình, TP.HCM) đã chi số tiền hơn 5 tỷ đồng cho một “cò giấy tờ” nhờ giúp đỡ nhưng cho đến nay việc không xong và số tiền chưa lấy lại được
“Ma trận” của “cò giấy tờ”
Trong đơn thư kêu cứu gửi các cơ quan báo chí, ông Cát cho biết: bản thân là đại diện cho công ty tại TP. Vũng Tàu. Công ty này có xây một căn nhà tại đường Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Q2, TP.HCM sai so với mẫu nhà được duyệt, nên bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày 30/6/2016 ông Cát đã ký hợp đồng với Trần Thái Bình (SN 1978, ngụ 66/7A, Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q12, TP.HCM) với mục đích “giải quyết” không bị tháo dỡ và làm sổ hồng căn nhà sai mẫu nói trên. Giá dịch vụ thống nhất là 670 triệu đồng, thời gian thực hiện 12 tháng với tổng số tiền phạt không quá 873 triệu đồng. Khi ký hợp đồng này, ông C. đã đưa cho Bình 470 triệu.
Nhiều người bị lừa đến trước nhà của bố mẹ Trần Thái Bình ở Bình Phước treo băng rôn đòi nợ. Ảnh do ông Cát cung cấp.
Chờ mãi không thấy việc của mình được giải quyết, ông tìm hỏi thì ông Bình cho biết sẽ làm thêm thủ tục để Công ty của ông Cát được công nhận và cấp sổ đỏ đối với diện tích nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 337,3m2 và cam kết được giảm hoặc miễn phạt đối với vi phạm xây dựng của căn nhà đã nêu, được tồn tại công trình, hoàn thành thủ tục hoàn công ra sổ hồng cho căn nhà cùng toàn bộ diện tích đất mà Công ty đang sử dụng thực tế trên đường Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Quân 2 là 857,3m2 (trong đó có 520m2 trong GCN QDDĐ; 337,3m2 nằm ngoài GCN QSDĐ).
Do tin tưởng, ông Cát đã nhiều lần giao tiền cho ông Trần Thái Bình. Theo giấy tờ mà ông Cát cung cấp: các lần giao tiền cụ thể như sau: Giao lần đầu 100 triệu đồng, biên nhận ngày 30/6/2016 và thêm 100 triệu đồng tại giấy biên nhận ngày 30/7/2016, với cam kết là “để lo thủ tục giảm đóng phạt xuống trên 500 triệu đồng”; Từ ngày 20/8/2016 đến 19/9/2016 giao thêm 700 triệu đồng với cam kết để: “Công ty được công nhận và cấp GCNQSDĐ thêm 337,3m2 nằm ngoài sổ”.
Ngày 17/012017, ông Cát giao thêm 1,5 tỷ đồng để “nộp hồ sơ và xin trích lục các giấy tờ liên quan đến căn nhà trên. Điều chỉnh phần quy hoạch 1/500 nội bộ để hoàn công phần vi phạm xây dựng phát sinh”. Số tiền 100 triệu đồng biên nhận ngày 28/12/2017, Bình cam kết: “làm bản vẽ hoàn công và một số giấy tờ bổ sung hoàn thiện phòng cháy chữa cháy, môi trường".
Lần cuối cùng, ông Cát giao số tiền 1,5 tỷ đồng tại giấy nhận ngày 05/6/2018. Ông Bình cam kết “Công ty sẽ được bỏ phạt vi phạm xây dựng”.
Theo ông Cát, tổng số tiền mà ông đã đưa cho ông Bình để lo các loại giấy tờ cho căn nhà là 5tỷ 50 triệu đồng.
Mòn mỏi chờ cơ quan chức năng giải quyết
Chi số tiền lớn nhưng không thấy kết quả, ông Cát bắt đầu thấy lo lắng. Quá trình tìm hiểu sau đó, ông Cát mới biết từ khi nhận tiền (tháng 06/2016) đến tháng 06/2018, ông Bình không làm gì mà chỉ duy nhất một lần nộp hồ sơ vào Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (phiếu nhận ngày 31/5/2018). Hồ sơ này đã bị trả lại, kèm yêu cầu bên nộp đơn phải liên hệ với Sở Xây dựng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý phần sai khác của căn nhà đối với mẫu nhà được duyệt đã được nêu tại quyêt định xử phạt hành chính. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xin tồn tại công trình cũng như ra QSDĐ bao gồm 337,3m2 nằm ngoài là không thể thực hiện vì trong nằm trong “hành lang bảo vệ an toàn sông Sài Gòn”.
Ông Cát cho biết: Mặc dù hồ sơ bị trả lại, bao gồm cả bản chính QSDĐ nhưng ông Bình đều giữ hết, không trả lại cho khổ chủ. Biết mình bị lừa, ông C. đã tố cáo Trần Thái Bình đến Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau khi xác minh, trong văn bản số 37/TB-PC03-Đ4 ngày 23/12/2019 gửi ông Cát, Cơ quan CSĐT thông báo đã khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 BLHS. Tháng 08/2020, qua CQĐT, ông Cát mới nhận lại được sổ đỏ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm khởi tố vụ án, bị can Bình vẫn chưa bị khởi tố và số tiền hơn 5 tỷ đồng Bình đã nhận từ ông Cát vẫn chưa được trả lại.
Trần Thái Bình lúc nhận số tiền từ ông Cát. Ảnh nhân vật cung cấp
Vụ việc này cũng đã được Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Theo thông tin trên tờ này cho biết: "Ngày 12/102020, chúng tôi đã liên hệ với ông Bùi Xuân Thái – Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự về An ninh, ma tuý kinh tế và chức vụ VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và được biết vụ án đã được khởi tố, hiện đang được CQĐT Công an tỉnh xử lý". Và "Đại tá Nguyễn Huy Cương – Phó thủ trưởng CQ CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì cho biết: Vụ án trên đang trong quá trình củng cố chứng cứ để hoàn tất điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí".
Theo ông Cát, vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khởi tố đã được khởi tố gần một năm nay và bị hại cũng đã 02 lần làm đơn yêu cầu khởi tố bị can nhưng hiện tại vẫn chưa được CQĐT giải quyết. Trong khi đó, đối tượng lừa đảo tiền của ông chưa bị pháp luật có biện pháp chế tài và người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi thu hồi lại tài sản của mình. Qua vụ việc bi đát của mình, ông Cát cũng cảnh báo với mọi người nên cẩn thận với những đối tượng chuyên đi lừa đảo trong lĩnh vực giấy tờ nhà đất như Trần Thái Bình đã gây ra cho ông, tránh tiền mất tật mang.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì hành vi của ông Trần Thái Bình đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4 Điều 174 BLHS, bởi lẽ dấu hiệu cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu như việc đưa ra các thông tin gian dối, tài liệu giả tạo…, để tạo niềm tin làm cho người bị hại tưởng thật mà giao tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Việc chậm trễ khởi tố bị can có thể dẫn đến nguy cơ đối tượng bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra hoặc tẩu tán tài sản làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Xem thêm: Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm
Thái Bình