TiktokShop, Shoppe, Lazada,.. sàn TMĐT nào đang chiếm ưu thế tại Việt Nam?

Trang Mai 14:08 | 17/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê của Metric, tổng doanh thu 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TiktokShop) năm 2023 đã tăng 53,4% so với cùng kỳ 2022 (dữ liệu sàn TMĐT Tiktok Shop được phân tích từ tháng 9/2022) - mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, vị thế của các đơn vị cũng đang dần có sự thay đổi.

Thương mại điện tử vẫn là "Miếng bánh" hấp dẫn

Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,09% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

 Mua sắm trực tuyến đang dần trở nên quen thuộc. Ảnh: Mai Trang

Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Kết quả này nhấn mạnh TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

TMĐT của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất trong khu vực. Tuy nhiên, trong số 5 sàn TMĐT hàng đầu hiện nay, Việt Nam chỉ có hai đại điện là Tiki và Sendo với thị phần không đáng kể so với 3 nền tảng TMĐT quốc tế còn lại.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric công bố mới đây cho thấy, trong năm 2023, doanh thu trên 5 sàn TMĐT tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTokShop, Sendo đạt trên 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022.

Trong đó, Shopee dẫn đầu thị phần doanh thu với 78%, bỏ xa các sàn đối thủ. Theo sau là TikTokShop và Lazada và Tiki, lần lượt chiếm 11,1%, 9,7%, 0,9% thị phần.

 

 Metric là nền tảng số liệu TMĐT của CTCP Khoa học dữ liệu. Nền tảng này được giới thiệu là ứng dụng công nghệ Big Data đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp công cụ phân tích số liệu và dịch vụ báo cáo nghiên cứu thị trường sàn TMĐT chuyên sâu. Năm 2023, Metric giành giải nhì trong lĩnh vực công nghệ số của giải thưởng Nhân tài Đất Việt.  

Năm 2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số nhà bán có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn TMĐT giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng TMĐT mới. Nguyên do đến từ các yếu tố khách quan (nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt,...) và đặc biệt từ yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp (lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/ nhập hành phù hợp.

Có thể khẳng định rằng, TMĐT dần trở thành một nền tảng quan trọng phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát triển bài bản và mức độ cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn. 

Sự “nổi dậy” của TiktokShop

Tiktok đã vượt qua Lazada để trở thành nền tảng TMĐT lớn số 2 tại Việt Nam sau Shopee. Những nhà cung ứng cho sàn TMĐT này kiếm được khoảng 1,3 tỷ USD trong 6 tháng qua. Nếu tính trên toàn Đông Nam Á, thu nhập hàng năm của các nhà cung ứng cho Tiktok đã vượt qua 12 tỷ USD.

Cũng theo Metric, tính đến tháng 11/2023, TiktokShop Việt Nam có khoảng 2,8 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang hoạt động.

Trong khi số lượng người bán hàng trên các sàn TMĐT khác đều giảm thì TiktokShop lại tăng lên. Cụ thể, trong năm 2023, có thêm hơn 95.000 nhà bán mới gia nhập TikTokShop. Trong khi tại 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng rời khỏi thị trường.

Gia nhập thị trường Việt Nam cách đây khoảng 5 năm, Tiktok nhanh chóng được giới trẻ yêu thích bởi nền tảng các video ngắn. Cũng chính nền tảng này đã mở đầu cho một xu thế TMĐT và quảng cáo trực tuyến mới trong giới trẻ. TikTok nổi tiếng với các nội dung “gây nghiện”. Theo một thống kê của DataReportal, người dùng Android Việt Nam dành trung bình 48 giờ mỗi tháng trên TikTok, cao hơn khá nhiều so với thành tích của ứng dụng xếp thứ 2 là Facebook với 28 giờ. Nhiều người sử dụng mạng xã hội này đã trở thành những nhà bán hàng trong một xu hướng gọi là “mua sắm giải trí” (“shoppertainment”).

Chia sẻ với báo giới, đại diện Nguyễn Lâm Thanh của Tiktok tại Việt Nam cho biết người dân từng không tin tưởng vào TMĐT quan niệm giá rẻ gắn liền với chất lượng tồi. Thế nhưng giờ đây mua sắm trực tuyến đã trở thành một sở thích của mọi người khi có thể theo dõi câu chuyện của người bán hàng.

Bán lẻ trực tuyến năm 2024 vẫn sẽ bùng nổ

Theo Metric, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.

Mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sản bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.

Các sàn bán lẻ trực tuyến cũng đưa ra nhiều chính sách kích cầu mua sắm với hình thức mua trước trả sau. Livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục sẽ là trọng tâm nâng cao doanh thu cho nhà bán trong năm tới. Ngoài ra, combo sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả phải chăng, giúp họ tiết kiệm chi tiêu.

2024 tiếp tục được dự báo sẽ là năm bùng nổ của thị trường TMĐT. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Nếu như giai đoạn 2016 - 2018, bất kỳ doanh nghiệp nào chuyến hướng lên sản cũng dễ dàng có được lợi nhuận thì vài năm trở lại đây, khi các sản mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn, thi những doanh nghiệp trụ lại đều là người chơi có chiến lược bài bản, rõ ràng.

DTC - Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng) - sẽ tiếp tục trở nên phổ biến hơn. Tức là thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây doanh nghiệp sản xuất (NSX) bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng trên các sàn TMĐT. Điều này cho phép NSX kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng. Đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên lợi nhuận cao hơn.

Chẳng hạn, nếu áp dụng mô hình B2B2C (Business to Business to Customer), họ sẽ phải bỏ ra từ 35% - 40% chi phí trên giá thành sản phẩm dành cho các đại lý. Trường hợp bán trực tiếp trên sàn TMĐT, họ sẽ chỉ tốn 1 mức phí thấp hơn rất nhiều (khoảng chưa đến 10%). Và số tiền dư ra đó có thể trừ trực tiếp vào giá bán hoặc đầu tư cho tính năng sản phẩm. Tuy nhiên, NSX áp dụng mô hình này cần hiểu rõ quy trình hoạt động trên sàn, nghiên cứu kỹ hướng tiếp cận khách trên thị trường này đồng thời xây dựng chính sách bán hợp lý đề cân bằng mối quan hệ với nhà phân phối. 

Việc các nhà sản xuất mở rộng thị trường kinh doanh sang nền tảng E-commerce dự báo cuộc chiến về giá sẽ tiếp tục khốc liệt trong năm 2024.