Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

09:58 | 26/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nội dung chính được Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan bàn thảo tại “Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020”, sáng 25/6.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 - ảnh 1
“Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020”. Nguồn: Bộ Tài chính. 
Tỉ lệ giải ngân vẫn còn thấp

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng.

 Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân như: tích cực đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ phân khai, nhập Tabmis và giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài; xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các bộ, ngành có kế hoạch vốn lớn...

Tính tới ngày 24/6, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 đạt 7.427 tỷ đồng tương ứng với 13,1% dự toán của năm 2020 và cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/ 7,427 tỷ đồng).

Các bộ ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân phần vốn của năm 2019 chuyển sang là 7.198 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, mặc dù tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn rất thấp; tạo nhiều thách thức cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2020.

Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài bị tác động lớn

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân thấp.

Theo Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), có 7 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án, trong đó nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án thường kéo dài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.

“Hầu hết các hoạt động của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... nên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận”, ông Long nói.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 - ảnh 2
Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chia sẻ tại Hội nghị. Nguồn: Bộ Tài chính. 
Tham luận tại Hội nghị, đại diện của các bộ ngành, địa phương cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc do những thay đổi về cơ chế chính sách.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thời gian vừa qua, việc thực hiện các quy định theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình được ban hành đã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn xác định định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, đơn giá xây dựng công trình... Đây cũng là vướng mắc mà nhiều bộ, địa phương đang gặp phải. Do đó, tại Hội nghị, đại diện Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội... đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68 để khắc phục các khó khăn đang gặp phải.

Đại diện một số địa phương chia sẻ: Những vướng mắc khi thực hiện các quy định tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay đang khiến các Bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Ngoài ra, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài... cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị.

Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

Cùng với quyết tâm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công từ các bộ, ngành, địa phương, đại diện cho Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt.

Đồng thời, nhanh chóng thực hiện các hoạt động để triển khai Nghị định thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, KBNN để đảm bảo đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm…

Những nội dung tham luận tại Hội nghị sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vay vay nước ngoài nói riêng...