Nhiều doanh nghiệp BĐS lớn bị kiến nghị xử lý tài chính sau thanh tra

Đông Bắc 11:09 | 13/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, qua thanh tra 19 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) giai đoạn 2015-2023 đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.400 tỷ đồng. Hết năm 2023, vẫn có một số doanh nghiệp lớn ngành địa ốc như Handico nợ gần 732 tỷ đồng...

  

 

Kiến nghị xử lý tài chính đối với nhiều doanh nghiệp BĐS

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý  thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản, gồm 13 kết luận thanh tra tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản và 6 kết luận có nội dung kiến nghị đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thanh tra trong lĩnh vực thanh tra hành chính. Do vậy, tại các kết luận thanh tra kết luận chung về công tác tài chính của đơn vị, không tách riêng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Qua thanh tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.418 tỷ đồng; trong đó yêu cầu nộp ngân sách nhà nước 493,1 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 999,8 tỷ đồng.

 Loạt các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính đều là các “ông lớn” trên thị trường bất động sản. Ảnh KTĐT.

Loạt các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính đều là các “ông lớn” trên thị trường bất động sản như: Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty IDICO-CTCP, Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico), Công ty CP Kosy…

Bộ Tài chính cho biết, đến 31/12/2023, các đơn vị và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản được thanh tra đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị và nộp ngân sách.

Chỉ còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện xong do vướng mắc về xác định giá trị tiền sử dụng đất, phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng tài sản… dẫn đến chậm quyết toán, chậm thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Trong đó tính đến cuối năm 2023, có một số doanh nghiệp như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) nợ hơn 731,8 tỷ đồng, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị nợ hơn 8,2 tỷ đồng, Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) nợ hơn 16,7 tỷ đồng…

Bộ Tài chính cho biết, số tiền cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến việc xác định chưa đúng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của dự án kinh doanh bất động sản; kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi.

Khó xác minh giá trị thực trong chuyển nhượng bất động sản

Cũng tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính cho biết việc chuyển nhượng bất động sản còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, về giá chuyển nhượng, người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.

Bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa. Do đó, rất khó để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản đặc biệt là cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Bộ Tài chính cũng cho biết, giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư, hoặc khi đã được cấp số thì nhà đầu tư sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, các phương thức mua bán bất động sản, dự án bất động sản tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản;

Chủ đầu tư đang lách quy định của Luật Nhà ở về giới hạn số lượng nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu bằng cách ký hợp đồng thuê dài hạn và bên thuê có đầy đủ các quyền như chủ sở hữu nhà ở; giao dịch thực tế mua bán bất động sản nhưng hợp thức hóa bằng cách mua cổ phần, sau đó chia tách doanh nghiệp.

 Bộ Tài chính cho rằng Khó xác minh giá trị thực trong chuyển nhượng bất động sản. Ảnh BXD.

Đối với việc ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính cho biết, người nộp thuế chuyển nhượng bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản) nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, người nộp thuế là pháp nhân thực hiện việc chuyển quyền đầu tư, khai thác một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác theo hình thức chia tách, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng vốn góp chịu sự điều chỉnh của pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Trường hợp tổ chức chuyển nhượng là doanh nghiệp Nhà nước còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về quản lý tài sản công.

Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động trên chịu nhiều rủi ro như việc tổ chức khai giá chuyển nhượng không đúng với giá thực tế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; bán tài sản không qua đấu giá gây thất thoát tài sản công của Nhà nước; sử dụng đất không đúng mục đích...

Do đó, theo Bộ Tài chính, các hoạt động của người nộp thuế nêu trên có nhiều rủi ro về thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và rủi ro vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai.