Tìm hướng đi hợp lý cho sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính – Bộ Tài chính cho biết: Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ ngày 24/09/2009. Qua 10 năm hoạt động, thị trường đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển, từng bước tiếp cận phù hợp với các thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Cùng với sự phát triển đáng khích lệ của nền kinh tế những năm gần đây, thị trường TPCP đóng vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các ngân hàng chính sách của Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tổng khối lượng huy động vốn qua thị trường trái phiếu trong giai đoạn 2011-2018 đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này đạt 26%/năm, quy mô thị trường trái phiếu tính đến cuối năm 2018 đạt 39,12% GDP, tăng gấp 5 lần so với năm 2011, thanh khoản trên thị trường trái phiếu thứ cấp ngày càng được cải thiện. Thị trường TPCP được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong thời gian qua.
Sản phẩm hàng hóa và cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu ngày càng đa dạng. Khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu phát triển cũng đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường. Thị trường TPCP đang phát triển theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Thị trường TPCP đã và đang đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường trái phiếu nói chung tại Việt Nam, sản phẩm TPCP là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho các loại hình nhà đầu tư gồm các ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, hệ thống các quỹ đầu tư…
Những bước phát triển đáng ghi nhận của thị trường TPCP có thể kể đến cụ thể như: Khung pháp lý cho hoạt động của thị trường TPCP đã liên tục được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển thông lệ quốc tế. Trong 10 năm qua, 2 thế hệ chính sách phát triển thị trường TPCP đã được ban hành để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP. Sau khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 được ban hành, toàn bộ văn bản pháp lý hướng dẫn về hoạt động phát hành, giao dịch TPCP đã tiếp tục được cải tiến để phát triển thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp TPCP.
Thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho ngân sách nhà nước, gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Việc tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý, đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng khả năng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.
Cùng với đó, sản phẩm hàng hoá trên thị trường TPCP đã được phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và yêu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Từ năm 2015, Kho bạc Nhà nước bắt đầu phát hành trái phiếu theo lô lớn, nâng cao chất lượng hàng hóa TPCP trên thị trường tài chính. Số lượng mã trái phiếu đã giảm từ khoảng 300 mã năm 2009, xuống còn 170 mã năm 2019, quy mô bình quân của các mã TPCP tăng khoảng 9 lần, giá trị giao dịch bình quân phiên hiện nay đạt khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên (tăng 24 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2009). Sản phẩm phái sinh ”hợp đồng tương lai TPCP” cũng hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh từ tháng 7 năm 2019 bổ sung thêm cho nhà đầu tư một công cụ phòng vệ rủi ro.
Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được cải thiện theo hướng giảm tỉ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỉ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức bảo hiểm và các tổ chức khác. Hệ thống các nhà tạo lập thị trường trái phiếu phát triển từ các thành viên đấu thầu đã từng bước đóng vai trò tạo thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP.
Thị trường TPCP đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở và các định chế trung gian để phát triển thị trường thông qua việc xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, kết nối giữa thành viên đấu thầu và cơ quan quản lý để tổ chức hoạt động đấu thầu phát hành, giao dịch TPCP. Hệ thống thanh toán đảm bảo việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu đến hạn. Kể từ năm 2017, hoạt động thanh toán TPCP đã được thực hiện qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, việc đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với thành viên thị trường đã được thiết lập, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý và phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp TPCP.
Đánh giá thành công của thị trường TPCP, ông Alwaleed Alatabani - chuyên gia trưởng về tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “Thị trường TPCP chuyên biệt của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả cả về qui mô chiều rộng, chiều sâu, thị phần ngày càng lớn, tạo ra công cụ tham chiếu cho thị trường tài chính. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thúc đẩy thị trường TPCP phát triển mạnh mẽ thông qua cải thiện hệ thống pháp luật và định hướng phát triển phù hợp với các thông lệ quốc tế. WB vinh dự được đồng hành và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường TPCP mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính lần đầu tiên công bố Báo cáo thường niên Thị trường TPCP Việt Nam năm 2019 nhằm cung cấp thông tin có tính hệ thống và đầy đủ, toàn diện cho các nhà đầu tư, các thành viên thị trường… có cơ sở đầu tư và hoạt động trên thị trường TPCP Việt Nam.
Đồng thời, Hội nghị đã khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của thị trường trái TPCP trong 10 năm hoạt động và phát triển.
Mặc dù nhấn mạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật đã kích thích thị trường TPCP phát triển, quy mô ngày càng lớn, kỳ hạn bình quân từng bước kéo dài, sự minh bạch ngày càng được cải thiện, đấu thầu được tổ chức định kỳ hơn song ông Alwaleed Alatabani cũng chỉ ra hạn chế về sự phụ thuộc nhiều của thị trường TPCP vào các nhà đầu tư từ khu vực ngân hàng.
“Cần có khung pháp lý khuyến khích đông đảo, đa dạng hơn các nhà đầu tư ngoài ngân hàng (bảo hiểm, các quỹ đầu tư…) và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường TPCP. Củng cố danh mục TPCP làm sao cho số lượng mã trái phiếu ít hơn, nhưng quy mô cần lớn hơn, tính thanh khoản tốt hơn, quản lý cơ cấu nợ tốt hơn. Cải thiện hoạt động của thị trường theo hướng ổn định, cơ chế tạo lập thị trường và hạ tầng phải hoạt động hiệu quả, tin cậy hơn, qua đó có thể huy động hiệu quả hơn các nguồn vốn trong và ngoài nước”, chuyên gia trưởng về tài chính của WB nói.
Bàn về mục tiêu và giải pháp, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; TPCP trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
“Cần gắn kết giữa huy động vốn TPCP với điều hành ngân sách nhà nước và quản lý ngân quỹ; xác định cụ thể khối lượng huy động vốn hằng năm, công bố công khai lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn phát hành trái phiếu chi tiết theo hàng quý để nhà đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia. Đồng thời, tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch, rút ngắn hơn nữa quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu phù hợp với định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp”, bà Hiền nhấn mạnh.