Tin vui về các giống thanh long mới cho nông dân và người tiêu dùng

Phương Nga/TTXVN 07:17 | 13/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các giống thanh long mới đầu tiên từ Dự án phát triển giống thanh long mới New Zealand–Việt Nam đã chính thức được đồng ý tiêu thụ trên thị trường toàn cầu.

Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand (PFR) cùng với Viện Cây ăn quả miền Nam của Việt Nam (SOFRI) đã phối hợp phát triển các giống cây thanh long mới với sức tăng trưởng và khả năng tiêu thụ vượt trội từ năm 2013.  Các công ty như VentureFruit, T&G Global’s IP đã cùng hợp tác để đạt được quyền thương mại hóa trên toàn cầu đối với ba giống thanh long đầu tiên.

 Thanh long đỏ là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn mới lạ như mỳ tôm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Cả ba giống thanh long này có vỏ đỏ, hương vị hấp dẫn hơn so với các giống thanh long hiện tại với thịt quả dầy, cứng bao gồm thanh long ruột trắng, thanh long ruột hồng và thanh long ruột đỏ thẫm. Đây sẽ là những giống thanh long đầu tiên được bán ra thị trường có khả năng kháng bệnh đốm nâu – một loại bệnh nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến cây thanh long, làm chết cây và ảnh hưởng đến quả.

Việt Nam là nước trồng thanh long lớn nhất thế giới và có thị trường tiêu thụ lớn ở châu Á, mặc dù đây vốn là loài thực vật bản địa từ Trung và Nam Mỹ (được biết đến với tên gọi pitaya). Việt Nam sản xuất khoảng 1 triệu tấn thanh long mỗi năm và diện tích sản xuất đã tăng từ 10,000 ha năm 2010 lên hơn 50,000 ha vào năm 2018.

Việc phát triển các giống thanh long mới này là một nội dung thuộc Dự Án Phát triển giống cây ăn quả chất lượng cao, được thực hiện từ 2013-2021 do Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand tài trợ. SOFRI và Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau Thu hoạch (VIAEP) đã phối hợp với trọng tâm là phát triển các giống cây ăn quả mới và cải thiện chất lượng quả thông qua các phương thức canh tác, phương pháp bảo quản và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Chương trình này hiện do Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand tài trợ, đây là một trong những sứ mệnh phát triển công nghệ của họ.

Tổng Giám đốc VentureFruit Morgan Rogers khẳng định việc công bố các giống thanh long mới là một ví dụ về mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực trồng trọt giữa New Zealand và Việt Nam, ông cho rằng: “Những giống thanh long mới này thể hiện cách tiếp cận cải tiến và mang tính chiến lược giữa tất cả các đối tác liên quan trong việc tạo ra nguồn gene thanh long mới có hương vị thơm ngon hơn và mang lại lợi ích cao hơn cho người trồng với khả năng kháng bệnh đốm nâu. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với người trồng thanh long ở Việt Nam và chia sẻ kiến thức, kỹ thuật do SOFRI và SIAEP phát triển trong hệ thống trồng trọt của họ. Điều này sẽ giúp những giống thanh long mới, độc đáo đạt được khả năng phát triển tối ưu với sản lượng cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn và mang lợi nhuận tốt hơn cho những người trồng thanh long”.

Ban đầu, các giống thanh long mới sẽ được trồng thương mại ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu. Sau đó, sẽ được tiến hành trồng thử nghiệm ở một số khu vực tiềm năng khác, bao gồm một thử nghiệm đang được triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu Kerikeri của PFR tại khu vực cận nhiệt đới phía Bắc New Zealand.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand ông David Hughes nhận định việc cho ra đời những giống cây trồng mới cho thấy tác động tích cực từ sự thành công của các chương trình phát triển quốc tế: “Việc có thể hỗ trợ người dân thông qua các chương trình phát triển quốc tế thực sự là phần thưởng lớn cho các nhà khoa học của chúng tôi... Tuy nhiên, việc công bố các giống thanh long mới cũng cho thấy các chương trình này có tác động to lớn không chỉ ở cấp độ khu vực mà còn ở cấp độ quốc tế trong việc xây dựng mạng lưới và phát triển năng lực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng...”.

Tiến sỹ Satish Kumar, trưởng nhóm nhân giống thuộc Viện PFR cho rằng việc VentureFruit được cấp phép cho ba giống thanh long này là một bước tiến quan trọng của nhóm các nhà khoa học nhân giống cây trồng tại Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand và SOFRI. “Những giống thanh long mới này là kết quả của các nỗ lực hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học của hai Viện PFR và SOFRI, là kết quả của sự kết hợp chuyên môn thế mạnh cũng như năng lực từ hai phía. Chúng tôi rất mong VentureFruit được cấp phép để đưa các giống này ra thị trường”.

Các giống quả thanh long mới được hy vọng sẽ đến tay người tiêu dùng vào năm 2027, với mục tiêu trồng được 250 ha đến năm 2030.