Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài, Hiệp hội nhà đầu tư tài chính kiến nghị thay lãnh đạo HoSE
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, tình trạng hệ thống giao dịch HoSE thường xuyên nghẽn lệnh kéo dài suốt 3 tháng qua là do năng lực quản trị yếu kém. Do đó, hội đề xuất thay lãnh đạo HoSE.
Trước tình trạng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) nghẽn lệnh kéo dài, ngày 10/3, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) các đề xuất để "trái tim" thị trường chứng khoán không còn bị tổn thương.
"Trái tim thị trường chứng khoán Việt Nam là HoSE đang thương tổn trong 3 tháng qua. Hệ thống giao dịch của HoSE thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh hàng ngày, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế”, văn bản của VAFI nêu rõ.
VAFI nhận định, tình trạng này thể hiện năng lực quản trị điều hành HoSE rất yếu kém, đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch mà không làm chủ được công nghệ vận hành. Sự yếu kém này không phải bây giờ mới lộ rõ mà trong mấy năm qua đã có vài trường hợp nghiêm trọng bị lỗi sàn chứng khoán nhưng sau đó không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
HoSE nghẽn lệnh kéo dài nhiều tháng ảnh hưởng tới nhà đầu tư
Cũng theo VAFI, sự yếu kém năng lực quản trị HoSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành. Không chỉ về quản lý công nghệ, mà nhiều hoạt động của HoSE cũng rất yếu kém, chẳng hạn như khâu giám sát thị trường khi nhiều cổ phiếu kém chất lượng, có tình trạng lừa đảo, thao túng ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo...
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, cho rằng tình trạng yếu kém như phân tích trên là do công tác bổ nhiệm nhân sự 1 số chức danh chủ chốt trong Ban Điều hành HoSE và Hội đồng quản trị không đạt yêu cầu.
Do đó, VAFI đề xuất 3 giải pháp để thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán, đưa HoSE và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ngang bằng với các thị trường khác.
Thứ nhất, VAFI đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các Sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Việc tuyển chọn người giỏi và người nước ngoài vào các chức danh trên là thông lệ phổ biến trên thế giới. Sở giao dịch chứng khoán Hongkong, Singapore... có nhiều giai đoạn lịch sử đều thuê người nước ngoài quản lý. VAFI cho rằng việc này không tốn quá nhiều chi phí so với doanh thu của HoSE nhưng mang lại lợi ích lớn cho thị trường.
Bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM
"Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay thì không thể nhanh chóng khắc phục", đại diện VAFI nói, đồng thời cam kết sẵn sàng giúp Bộ Tài chính tìm kiếm nhân sự nếu cần thiết.
Thứ hai, VAFI đề xuất Bộ Tài chính xem xét không bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay các cơ quan trong Bộ vào các chức danh chủ chốt trong HĐQT, ban điều hành của các sở giao dịch, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán như trước kia và hiện nay. Theo VAFI, cần có sự tách bạch rõ ràng giữa quản lý hành chính Nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Cuối cùng, VAFI cho rằng nên nhanh chóng cổ phần hóa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán để các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực.
VAFI đề xuất Bộ Tài chính lựa chọn một sở giao dịch chứng khoán nước ngoài có danh tiếng tại các thị trường phát triển nhất làm cổ đông chiến lược. Cổ đông này sẽ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ quản lý, đào tạo nhân sự.
“Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán. Hy vọng rằng Bộ Tài chính sẽ sớm tiến hành việc này để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng”, văn bản của VAFI nêu.
Trước đó, hiện tượng sàn HoSE nghẽn lệnh giao dịch đã kéo dài nhiều tháng nhưng chưa giải quyết triệt để. Hệ thống giao dịch thường bị treo khi thanh khoản đạt 15.000-17.000 tỷ đồng trước phiên ATC. Một số phiên hệ thống giao dịch còn trục trặc ngay buổi sáng.
Một trong các giải pháp được HoSE đề cập là nghiên cứu nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 nhưng vấp phải phản ứng của nhà đầu tư.
Mới đây, Bộ Tài chính khuyến khích doanh nghiệp niêm yết chuyển sang giao dịch tạm thời trên sàn Hà Nội (HNX). Tiếp đến, Bộ tính áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống tại HoSE.
Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT đang tìm phương án xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh giao dịch. Dự kiến các giải pháp mất 3-4 tháng kể từ khi bắt tay vào thực hiện.
Hà Ly