Tòa tháp nghìn tỷ bỏ hoang của Vicem có thể được 'giải cứu'
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội yêu cầu có ý kiến liên quan tới đề nghị của Bộ Xây dựng về việc cho phép Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục thực hiện Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, TP Hà Nội (Vicem Tower).
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho phép Vicem được tiếp tục đầu tư hoàn thiện Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem. Sau khi được chấp thuận, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo Vicem thực hiện, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tại báo cáo này, Bộ Xây dựng cho biết, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có mục tiêu là xây dựng trụ sở làm việc Vicem và các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại. Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là gần 2.744 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng trên khu đất 8.476m2, với công trình 31 tầng nổi, 4 tầng hầm. Dự án khởi công vào tháng 5/2011, đến tháng 8/2015 đã hoàn thành phần thô công trình. Hiện tại, dự án vẫn bị bỏ hoang, nằm trơ khung. Nhiều hạng mục hoen gỉ, xuống cấp.
Theo phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất tại Quyết định số 659 ngày 9/6/2015 của Bộ Xây dựng đã cho phép Vicem giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng lô đất thực hiện dự án này.
Căn cứ theo quy định hiện hành và kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2021, Vicem đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Vicem lập phương án, tìm đối tác để chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem. Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép Vicem chuyển nhượng dự án này.
Tuy nhiên, đến nay, theo báo cáo của Vicem, quá trình thực hiện các bước chuyển nhượng dự án gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2015, dự án tạm dừng thi công, đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình đầu tư. Do đó, việc chuyển nhượng dự án vẫn không thể thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được đầu tư từ năm 2010. Mục tiêu đầu tư tòa tháp ngàn tỷ của Vicem (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) là xây dựng trụ sở làm việc của tổng công ty, các đơn vị thành viên, hội trường và trung tâm thương mại quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng hoàn thành phần thô của tòa tháp, từ tháng 8/2015, Vicem bất ngờ để hoang hóa.
Theo báo cáo của Vicem, để tránh lãng phí tài sản nhà nước, trong giai đoạn 2016-2021, Vicem nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác chuyển nhượng tòa tháp để hoàn vốn đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho Vicem chuyển nhượng dự án vào năm 2017. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa chuyển nhượng được do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, việc chuyển nhượng dự án diễn ra trong giai đoạn thị trường bất động sản, đặc biệt phân khúc trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, năm 2015, dự án tạm dừng thi công, đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư. Do vậy, đến nay dự án vẫn không chuyển nhượng được theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó, tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng trên, Vicem nêu ra các lý do cần thiết để tiếp tục đầu tư dự án này. Cụ thể, trụ sở đang sử dụng tại 228 Lê Duẩn (Đống Đa, Hà Nội) là tòa nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần. Lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của Vicem tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông. Do đó, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của Tổng công ty và các đơn vị thành viên là cần thiết.