Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống toàn cầu từ khi xuất hiện vào cuối tháng 1/2020. Dịch bệnh kéo theo kinh tế trì trệ, hệ thống ngân hàng tuy không bị ảnh hưởng nặng nề như ngành du lịch, hàng không,... nhưng cũng lao đao suốt nhiều tháng qua. Tình hình chung hiện nay là ngân hàng giảm lãi suất xuống sâu nhưng số người gửi vẫn tăng và người vay vẫn giảm.
Lãi suất tiền gửi giảm ngay từ đầu năm
Theo quy luật chung của ngành ngân hàng, bao giờ thời điểm sau Tết Nguyên đán, người dân sẽ ồ ạt gửi tiền vào nhà băng do có nhiều tiền nhàn rỗi. Để thu hút nguồn vốn này, ngân hàng hay có ưu đãi tăng lãi suất, tặng lì xì,... để hấp dẫn khách và cạnh tranh nhau.
Nhưng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, cũng là giai đoạn đầu của dịch Covid-19 bùng nổ ở Vũ Hán (Trung Quốc), một số ngân hàng đã giảm lãi suất. Nếu so với cuối năm 2019, lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán tuy có giảm nhưng không phải xuống dốc, chỉ ở mức chênh lệch từ 0,1 đến 0,2%. Lúc bấy giờ, tình hình bệnh dịch vẫn còn quá mới mẻ, chưa thể đoán được diễn biến và hậu quả nên lãi suất tiền gửi mới giảm nhẹ.
Giai đoạn tháng 3 đến hết tháng 5: Ngân hàng chạy đua giảm lãi suất
Thời điểm tháng 3 đến tháng 5 năm nay là giai đoạn chống dịch Covid-19 căng thẳng nhất ở Việt Nam. Đỉnh điểm giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng phải kể đến tháng 4. Thực chất, đây cũng là thời điểm toàn bộ nền kinh tế trong nước lẫn quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch.
Biểu lãi suất tiền gửi tháng 4/2020 của các ngân hàng thương mại cho thấy xu hướng giảm lãi suất mạnh nhất ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng, có nơi giảm tới 0,55% so với tháng 3. Trên thị trường hoàn toàn không còn nhà băng nào ghi nhận mức lãi suất tiền gửi lên tới 8,6 - 8,8%/năm - con số bình thường trước đó.
Bảng biểu lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng lớn trong tháng 3, 4 (Ảnh: Vietnamnet)
Để hỗ trợ ngành ngân hàng và nền kinh tế nói chung, ngày 12/5/2020, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo về điều chỉnh lãi suất điều hành và áp dụng ngay từ ngày 13/5/2020. Khung lãi suất tiền gửi tối thiểu đều được giảm xuống từ 0,3% đến 0,5% ở mọi kỳ hạn để gỡ khó cho ngân hàng.
Tháng 7: Lãi suất tiền gửi chạm đáy
Sau thời gian dài thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, tình hình bệnh dịch tại Việt Nam chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tình hình kinh tế được nhiều người đánh giá là xám xịt khiến mọi người có tâm lý muốn cất tiền trong ngân hàng cho an toàn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ít vay vốn làm ăn hơn hẳn vì không còn nguồn lực, không có thị trường hay muốn chìm vào trạng thái “ngủ đông” chờ hết khó khăn. Tình hình này dẫn đến việc ngân hàng có nhiều tiền ứ đọng, doanh thu kém. Ngân hàng lại phải giảm lãi suất tiếp. Điều đáng nói là người dân cũng không có dấu hiệu vì lãi suất giảm mà đi rút tiền.
Theo báo cáo thống kê của Công ty chứng khoán Bản Việt, so với cuối tháng 6, lãi suất đến giữa tháng 7 đã thấp hơn bình quân từ 0,3 đến 0,6%/năm. Tính từ đầu năm thì đầu tháng 7 chứng kiến mức giảm lãi suất theo tháng cao nhất đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất trên 8%/năm hoàn toàn vắng bóng trên mọi bảng biểu lãi suất của mọi nhà băng, dù là với khoản tiền lớn hay kỳ hạn dài. Trong khi đó, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng 4,19% so với cùng kỳ.
Lãi suất tiết kiệm trung bình ở Việt Nam qua các năm (Ảnh: VCBS)
Lãi suất tiền gửi vẫn thấp
Đầu tháng 8, nước ta bất ngờ bước vào đợt dịch Covid-19 lần 2 với nhiều ca xuất hiện ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Nền kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng đến nay chưa thể phục hồi. Cho đến nay, cuối tháng 9, lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhìn chung vẫn ở mức thấp như cũ. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng vừa xuống thấp kỷ lục dưới 6%/năm. Đây không phải kỷ lục của riêng năm 2020 mà là của nhiều năm trở lại đây.
Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm phổ biến ở các ngân hàng như sau: 0,1 đến 0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng. Kỳ hạn 1 đến 6 tháng có mức lãi suất 3,7 đến 4,1%/năm. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động trong khoảng 4,4 đến 6,4%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6 đến 7,1%/năm.
Con số 3% tưởng chừng là “đáy” được bàn tán nhiều trong tháng 7 đã bị thay thế bởi mức 2,55%/năm cho kỳ hạn 1 tháng tại Techcombank. Theo thống kê của chuyên trang Kinh tế & Tiêu dùng, riêng trong tháng 8/2020 lãi suất tiền gửi đã giảm thêm 0,2 đến 0,4% ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 năm và 0 đến 0,2 % tại các kỳ hạn dài.
Kim Chi