Toàn cảnh thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2023

Phạm Mơ 06:00 | 31/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 7% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính thặng dư 28 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam có 7 mặt hàng xuất khẩu, 4 mặt hàng nhập khẩu có giá trị 10 tỷ USD

Trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.

Lạm phát đã hạ nhiệt, song vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam... 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 7% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2022, nhập khẩu khoảng 327,5 tỷ USD, giảm 9%.

 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính thặng dư 28 tỷ USD, gấp 2,2 lần năm 2022. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu.

Con số xuất siêu 28 tỷ USD đã vượt kỷ lục xuất siêu 19,9 tỷ USD từng thiết lập vào năm 2020. Mặc dù vậy, đây chưa thực sự là điều đáng mừng.

Bộ Công Thương cho biết kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu, điều này phản ánh về thực trạng đơn hàng giảm, nhu cầu với nhóm nguyên liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng đi xuống.

Song, thặng dư thương mại vẫn góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.

 

Trong năm 2023, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 313,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng áp đảo với 88,3%. Đứng sau là nhóm hàng nông lâm thủy sản đạt 53 tỷ USD, chiếm gần 15%. Còn lại là nhiên liệu và khoáng sản.

Trong năm khó khăn 2023, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế khi xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 12 tỷ USD, tăng 44% so với ngoái, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Ngành có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: rau quả, gạo, cà phê...

 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 44 mặt hàng có trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó 4 mặt hàng đạt 10 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 307,32 tỷ USD, chiếm gần 94%, còn lại là nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng.

 

Trong năm 2023, top 6 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là những cái tên quen thuộc, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD, chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngày 10/9, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam – Mỹ nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra "hành lang rộng mở” cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

 

Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 83 tỷ USD, giảm 13% so với năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,6 tỷ USD, tăng 90%.

 

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 50 tỷ USD, giảm 18%; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23%; nhập siêu từ ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37%.

 

Một điểm sáng trong năm 2023 là Việt Nam đã kết hợp duy trì các thị trường truyền thống với việc tích cực khai thác các thị trường mới như châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á…

Sau 7 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức ký kết hiệp định thương mại với Israel và nâng tổng số FTA đến nay được ký kết và thực hiện là 16. Việt Nam đã trao đổi thương mại với khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mục tiêu 2024 xuất siêu 15 tỷ USD

Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy 32% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý I/2024 sẽ tốt lên so với quý IV/2023.

40% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 28% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 72,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2023.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, 22% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Xu hướng quý I/2024, khoảng 24,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 28,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm.