Tổng thống Putin ra quyết định "lịch sử" khiến giá dầu và chứng khoán lao đao
Điều chỉnh của ông Putin giúp đồng rúp bật tăng
Ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga áp dụng thanh toán khí đốt bằng đồng rúp với các quốc gia không thân thiện. Thị trường ngay lập tức có phản ứng: tỷ giá đồng rúp tăng so với USD và euro, giá khí đốt tăng.
Các chuyên gia có ý kiến lạc quan xen lẫn thận trọng trước quyết định này của Nga. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin gọi việc từ chối thanh toán bằng USD và euro cho khí đốt là một quyết định lịch sử, nếu thiếu nó thì không thể tạo ra chủ quyền tài chính và kinh tế của Nga. Đây là một bước để phi USD hóa nền kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng LB Nga Valentina Matvienko cho rằng, việc chuyển thanh toán khí đốt của các nước không thân thiện sang đồng rúp sẽ ảnh hưởng toàn diện không chỉ đến sự ổn định và củng cố hệ thống tài chính của Nga trong tương lai rất gần, mà trong tương lai xa sẽ tạo tiền đề cho việc hình thành văn hóa hợp tác kinh tế mới trên thế giới dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau giữa các đối tác, là tín hiệu cho tất cả những người tham gia tận tâm trong thương mại thế giới .
Chuyên gia của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và Đại học Tài chính Stanislav Mitrakhovich bày tỏ đồng tình, việc chuyển đổi sang rúp trong thanh toán khí đốt sẽ hỗ trợ tỷ giá hối đoái đồng rúp. Đồng thời, ông nhắc nhớ về tuyên bố của Ủy ban châu Âu rằng, châu âu năm nay chỉ có thể mua 40% khối lượng khí đốt quy định trong các hợp đồng.
Sau thông báo bất ngờ trên, đồng ruble có lúc tăng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, trên 95 ruble/USD. Sau đó ruble suy yếu nhưng vẫn ở mức dưới 100 ruble/USD, đóng cửa ở 97,7 ruble/USD, giảm hơn 22% kể từ 24/2.
Một số hợp đồng bán buôn khí đốt của châu Âu tăng tới 30% vào ngày 23/3. Khí đốt bán buôn ở Anh và Hà Lan cũng nhảy vọt.
Khí đốt của Nga chiếm hơn 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU trong năm nay biến động từ 200 đến 800 triệu euro (tương đương 880 triệu USD) mỗi ngày...
Giá dầu tăng cao - Chứng khoán Mỹ sụt mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày 23/3, khi giá dầu tăng mạnh một lần nữa thổi bùng mối lo lạm phát...
Giá dầu nhảy 5% là do sự cố từ phía Nga, đặt ra nguy cơ gián đoạn thêm nguồn cung dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tụt 448,96 điểm, tương đương giảm 1,3%, còn 34.358,5 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,2%, còn 4.456,24 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,3%, còn 13.922,6 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 2,41%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Lợi suất đã tăng liên tục từ đầu tuần, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố sẽ quyét liệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuần trước, Fed có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018.
Trong khi đó, Giám đốc đầu tư Jack Ablin của Cresset Capital nhận định, cuộc chiến tranh đang gây áp lực tăng giá dầu rất mạnh.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 5,3%, chốt ở 121,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 5,66 USD/thùng, tương đương tăng 5,2%, chốt ở 114,93 USD/thùng.
Dầu tăng giá khi xuất khẩu dầu của Kazakhstan qua đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) bị dừng hoàn toàn. Đây là đường ống đưa dầu thô của Kazakshstan và Nga tới một cảng dầu bên bờ Biển Đen.
Giới chức trách Nga thông báo, xuất khẩu dầu qua đường ống CPC có thể phải dừng hoàn toàn trong thời gian lên tới 2 tháng. Đường ống này vận chuyển khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô Kazakhstan mỗi ngày, đáp ứng 1,2% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Sự cố này đẩy cao nỗi lo về khan hiếm nguồn cung dầu, giữa lúc các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga đã khiến dòng dầu từ Nga chảy chậm lại. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.
Nhà phân tích Matt Smith thuộc Kpler phát biểu: “Gián đoạn ở CPC như ‘đổ dầu vào lửa’ đối với giá dầu, vì sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Nga cuối cùng đang dần xuất hiện”.
Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa nhất trí được việc có cấm nhập khẩu dầu Nga hay không, nhưng tình hình có thể thay đổi một khi các hợp đồng ngắn hạn hết hạn.
Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates nhận định: “Thị trường đang cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại đã khiến nguồn cung dầu từ Nga giảm 2-3 triệu thùng mỗi ngày. Cho tới khi thế giới tìm được nguồn cung thay thế, giá dầu sẽ tiếp tục tăng chừng nào sự sụt giảm nhu cầu do giá cao còn chưa diễn ra”,
“Tôi cho rằng giá dầu sẽ vượt 150 USD/thùng trong mùa hè này”, thậm chí giá dầu có thể lên 200 USD/thùng – theo chuyên gia Ben Luckock của Trafigura.
Cổ phiếu năng lượng tăng giá mạnh ở Phố Wall phiên này. Hess và Diamondback Energy là hai cổ phiếu tăng mạnh nhất trong S&P 500, với mức tăng tương ứng 4,6% và 3,9%.
Nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn cảnh báo rằng kinh tế Mỹ có thể sắp rơi vào một cuộc suy thoái. “Tôi nghĩ có thể có một cuộc suy thoái, hoặc thậm chí tệ hơn”, ông Icahn nói trong một chương trình của CNBC.