Top 10 thương hiệu Việt Nam năm 2020 có tổng giá trị hơn 12,6 tỷ USD, năm 2021 sẽ là bao nhiêu ?

12:00 | 04/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết thúc quý 2 hàng năm là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng mong chờ bởi hàng loạt các xếp hạng, định giá thương hiệu sẽ được công bố.

Các xếp hạng và định giá về giá trị thương hiệu bởi các tổ chức, doanh nghiệp uy tín được công nhận trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới tăng, giảm giá trị doanh nghiệp sở hữu thương hiệu.

Bất ngờ 2021 sắp hé lộ 

Theo danh sách BrandZ thường niên xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2020 mà công ty Tư vấn Kantar công bố, Amazon vẫn đứng đầu với 415,9 tỷ USD; tiếp đến là Apple với 352,2 tỷ USD, Microsoft với 326,5 tỷ USD. BrandZ tính giá trị các thương hiệu dựa trên vốn hóa và khảo sát hơn 3,8 triệu người tiêu dùng trên thế giới.

Tại Việt Nam, Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT, Vincom Retail vẫn là những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2020, theo Forbes.

Tổng giá trị thương hiệu của top 10 các thương hiệu Việt Nam năm2020 có tổng giá trị hơn 12,6 tỷ USD, tăng 22% so với 2019. Top 10 này chiếm 30% tổng giá trị của danh sách các thương hiệu hàng đầu trong các ngành được xếp hạng. Một trong các yếu tố chủ đạo để xếp hạng và định giá là thương hiệu giá trị lớn nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Trên thị trường quốc tế, nói tới thương hiệu, Apple là một câu chuyện mẫu mực. Sau gần 40 năm kể từ ngày thành lập, Apple đã trở thành một thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu. Không chỉ có giá trị thương hiệu tới 352,2 tỷ USD, năm 2020, giá trị vốn hoá của Apple đạt tới hơn 1,6 nghìn tỷ USD, và có khả năng sẽ đạt ngưỡng 2 nghìn tỉ USD trong vòng một đến hai năm tới nếu kết quả hoạt động tiếp tục ổn định.

Tuy vậy, trước khi trở thành thương hiệu có giá trị lớn nhất toàn cầu như hiện nay, Apple chỉ là một công ty gồm 3 chàng trai trẻ tuổi và được sinh ra trong một... gara để xe ở California. Chiến thắng rực rỡ nhất của Apple là với dòng sản phẩm có sức ảnh hưởng đầy ngoạn mục là iPhone. Ra mắt lần đầu tiên năm 2007 dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs, đây không chỉ là thành tựu đáng tự hào nhất của Apple, mà còn là bước ngoặt đáng ghi nhớ trong lịch sử chế tạo smartphone của thế giới. Với iPhone, thành công liên tiếp tìm đến, đưa Apple trở thành thương hiệu có giá trị nhất thế giới trong nhiều năm. 

Một thương hiệu hàng đầu của ngành thời trang là Chanel - một trong những nhãn hiệu thời trang dễ nhận biết nhất. Từ đôi hoa tai 2 chữ C đến chai nước hoa biểu tượng Chanel No.5, các bộ suit bằng vải tweed và nhiều thiết kế túi xách độc đáo, Chanel đều để lại những ấn tượng đặc biệt trên từng sản phẩm.

Thương hiệu Chanel cũng đã phát triển ngoạn mục, thậm chí phát triển hơn nữa vào thời Karl Lagerfeld tiếp quản. Sau khi ông qua đời vào tháng 2.2019, công ty cuối cùng đã tiết lộ doanh thu: 11,12 tỷ USD trong 2018. 

Theo thông tin mà doanhnhanvn.vn tiếp cận được, định giá thương hiệu 2021 sẽ có nhiều bất ngờ mới, một số tên tuổi chưa thực sự nổi sẽ trở nên nổi bật và các thứ hạng cao đang là một cuộc đua tranh của những đối thủ thực sự là 8 lạng và nửa cân. 

Thương hiệu Việt ngày một trưởng thành 

Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh, Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch Covid-19.

Quay lại với danh sách các thương hiệu Việt trị giá “tỷ đô” mà Forbes đã định giá. Đứng đầu danh sách là Viettel, với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD. 

Top 10 thương hiệu Việt Nam năm 2020 có tổng giá trị hơn 12,6 tỷ USD, năm 2021 sẽ là bao nhiêu ? - ảnh 1

Vinamilk có 220.000 điểm bán hàng tại VN, XK sản phẩm đi 54 quốc gia, vùng lãnh thổ

Tại Việt Nam, Vinamilk hiện được xem là doanh nghiệp đứng đầu ở lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ sữa. Những sản phẩm từ công ty được phân bố tại 63 tỉnh thành và có 220.000 điểm bán hàng trên cả nước.

Được thành lập vào năm 1976, ban đầu chỉ có 3 nhà máy được tiếp quản lại: Thống Nhất, Trường Thọ, Dielac, đến nay Vinamilk đã có 13 nhà máy trên khắp Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia, xây dựng nên một thương hiệu vững mạnh tại Việt Nam và đặt những dấu ấn đầu tiên trên thị trường thế giới.

Năm 1991, công ty đã cụ thể hóa bằng việc chủ động nguyên liệu sản xuất bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, "cuộc cách mạng sữa" hay còn gọi là cuộc "cách mạng trắng" ra đời. 

Năm 2005, Vinamilk bắt đầu giai đoạn xây dựng trang trại tập trung, công nghệ cao với sự ra đời của trang trại đầu tiên tại tỉnh Tuyên Quang.Đến tháng3/2017, Vinamilk đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt. Đây là trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn Organic Châu Âu do Tổ chức Control Union chứng nhận.

Không chỉ có giá trị tỉ USD, Vinamilk còn là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất 8 năm liền theo báo cáo “Dấu chân thương hiệu” của Worldpanel thuộc Kantar (công ty tư vấn, cung cấp dữ liệu và insight đa quốc gia hàng đầu thế giới).

Trong thời gian qua, ngoài khẳng định được vị thế thương hiệu ở thị trường trong nước, Vinamilk đã có nhiều bước đi để xây dựng chỗ đứng cho thương hiệu sữa Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và tích cực thúc đẩy xuất khẩu tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt xây dựng hệ thống trang trại Global G.A.P lớn nhất Châu Á... Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi 54 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch đạt hơn 2,2 tỉ USD.

Chính vì vậy, hiện tại tổng giá trị của cả 10 thương hiệu top đầu của VN chỉ là 12,6 tỷ USD, bằng 3,57% của thương hiệu Apple. Hay nói cách khác, thương hiệu Apple có giá trị gấp gần 30 lần 10 thương hiệu lớn nhất VN. Tuy vậy, các thương hiệu VN đang có bước khởi đầu tốt với những chuyển biến căn bản, tăng trưởng rất mạnh và đầy tiềm năng. 

Thương hiệu tuy là tài sản vô hình nhưng lại có đóng góp rất lớn vào hoạt động của DN và đang được nhiều DN coi trọng xây dựng. Trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, bối cảnh cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả nhà nước, DN và người dân. Đó là con đường giúp tạo nên sức mạnh tổng thể để khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

An An