TP.HCM cần sớm tháo gỡ vướng mắc để thu hút vốn đầu tư nước ngoài
TP.HCM cần sớm tháo gỡ vướng mắc để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là yêu cầu được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa đưa ra tại cuộc làm việc với Sở KH&ĐT.
Theo plo.vn, phát biểu tại buổi làm việc với Sở KH&ĐT ngày 4/3, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng trong năm nay, nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM là cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài.
Vướng mắc về cơ chế, chính sách và hạ tầng
Đánh giá lại năm 2020, ông Phong cho rằng có sự giảm sút nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, bình quân mỗi dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài chỉ thu hút được khoảng 500.000 USD. Con số này trong giai đoạn 2018-2019 là khoảng 2 triệu USD.
4,36 tỉ USD là tổng vốn đầu tư mới từ nước ngoài mà TP.HCM thu hút được trong năm 2020, giảm 47,5% so với cùng kỳ. Hiện trên địa bàn TP.HCM có gần 10.000 dự án đầu tư nước ngoài đang thực hiện với tổng vốn đầu tư 48,2 tỉ USD.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm nêu trên, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn đầu tư từ các dự án. Ngoài ra còn có một phần nguyên nhân đến từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách và hạ tầng của TP.
Chính vì thế, trong thời gian tới ông Phong đề nghị Sở KH&ĐT cần giải quyết điểm nghẽn, vướng mắc trong thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư. “Một số hiệp hội nước ngoài đang chờ đợi những cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong nước” - ông Phong nói và đề nghị có phương án giải quyết những vướng mắc, đón đầu dòng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam và TP.HCM.
Đối với điểm nghẽn về hạ tầng, ông Phong cho biết Chính phủ cho phép TP.HCM chuyển đổi khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp sang đất khác, tuy nhiên chỉ gần 1.000 ha trong đó để phục vụ sản xuất công nghiệp. “Trong năm năm qua, TP chưa có thêm khu công nghiệp mới nào. Như vậy, khi nhà đầu tư họ muốn đến TP đầu tư thì đầu tư vào đâu?” - ông Phong đặt câu hỏi và cho rằng nhiều dự án đã hoàn thiện mặt bằng nhưng không thể thực hiện được do vướng mắc thủ tục.
Do vậy, ông Phong đề nghị Sở KH&ĐT rà soát toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP và làm rõ còn bao nhiêu khu vực, dự án có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sở cũng cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm dẫn dắt nền kinh tế TP chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, hạn chế tới mức thấp nhất các ngành sử dụng lao động số lượng lớn.
Đặt mục tiêu nâng cao chỉ số CPI
Tại cuộc làm việc, ông Phong cũng đề nghị Sở KH&ĐT trong kế hoạch công tác năm 2021 cần đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn như về mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, sở cần làm rõ việc cải thiện chỉ số PCI đến mức nào. “Sở cần đưa ra các con số cụ thể, không thể nói chung chung như vậy. Sở cần làm rõ còn yếu những điểm nào và hoàn thiện điểm đó ra sao” - ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở KH&ĐT cần đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn như về mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết trong năm nay sở đặt mục tiêu thu hút hơn 5,4 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp mới là hơn 40.000 đơn vị.
Sở cũng đặt mục tiêu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của TP và đứng trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước. “Sở cũng nhận thấy thái độ tiếp xúc của chính quyền đối với nhà đầu tư là rất quan trọng. Ban giám đốc sở đã xây dựng quy chế tiếp xúc người dân, doanh nghiệp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực sở phụ trách” - bà Mai nói.
Sở KH&ĐT cũng đưa ra mục tiêu năm 2021 của sở là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20-10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt 23,48 tỉ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỉ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP HCM dẫn đầu với 776 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 438 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 125 dự án.
Báo cáo của Cục Thống kê TP HCM cũng cho thấy trong các ngành, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngành thương mại, công nghiệp dẫn đầu với vốn đăng ký 838 triệu USD; hoạt động kinh doanh bất động sản 772 triệu USD; tiếp theo các ngành chuyên môn khoa học và công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng…
Tại hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19 được tổ chức ở TP HCM hôm 30-10, nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho hay thời điểm này do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà đầu tư chưa thể trực tiếp qua Việt Nam tìm hiểu dự án để rót vốn.
Tuy nhiên, chiến lược lâu dài của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn vốn ngoại, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển của các dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Minh Hoa