TP HCM đang thiếu vốn làm nhà ở xã hội
Tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 8/2023, đại diện Sở Xây dựng TP HCM đã thông tin về những điểm mới về chương trình phát triển nhà ở xã hội khi TP HCM triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố (Nghị quyết 98).
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cùng với chỉ tiêu trong đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) của Chính phủ, TP HCM còn phải hoàn thành mục tiêu phát triển NƠXH do HĐND TP HCM giao.
Cụ thể, đến năm 20230, TP HCM phải hoàn tất xây dựng tối thiểu 70.000 căn. Trước mắt, giai đoạn đến năm 2025, mục tiêu phải có tối thiểu 3.500 căn, tương ứng 2 triệu m2 sàn. Trong đó, 500.000 m2 sàn là NƠXH cho thuê.
Ông Khiết cho rằng, đối với dự án NƠXH hiện nay, việc kêu gọi đầu tư vốn ngoài xã hội rất khó, bởi chủ đầu tư bị kiểm soát giá bán, lợi nhuận và đối tượng mua. Điều này dẫn đến thời gian hoàn thành một dự án NƠXH dài hơn dự án nhà ở thương mại bình thường.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Nghị quyết 98 cho TP HCM thực hiện cơ chế đặc thù đối với NƠXH, trước tiên là về quy hoạch. Cụ thể, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với đồ án quy hoạch chi tiết. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết được thực hiện cùng một thời điểm.
Trước đây, việc lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và đồ án quy hoạch chi tiết được tách làm hai giai đoạn, mất từ 6 tháng đến 1 năm. Hiện, hai thủ tục này được thực hiện cùng lúc, giúp rút ngắn được thời gian.
Cơ chế đặc thù thứ hai là chỉ tiêu quy hoạch. Nếu như trước đây, chỉ tiêu quy hoạch dự án NƠXH phải hoàn toàn căn cứ theo quy hoạch cấp trên, tức từ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000 xuống quy hoạch chi tiết 1/2.000 rồi đến quy hoạch chi tiết 1/500.
Nay, Nghị quyết 98 đã cho phép TP HCM khi phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch dự án NƠXH được áp dụng các chỉ tiêu sao cho phù hợp với quy chuẩn và tuân thủ pháp luật về NƠXH. Tức là hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được tăng lên nhưng vẫn đảm bảo số lượng nhà ở, số lượng cư dân và phù hợp quy chuẩn.
Khi dự án NƠXH được chấp thuận chủ trương đầu tư thì những chỉ tiêu này sẽ được cập nhật ngược trở lại vào trong các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết 1/500 chứ không điều chỉnh tuần tự quy hoạch rồi mới chấp thuận chủ trương đầu tư như trước đây.
Cơ chế đặc thù thứ ba là về đất đai. Theo quy định pháp luật hiện nay, nhà đầu tư phải có đất ở hợp pháp hoặc đất ở hợp pháp và các loại đất khác mới được đầu tư dự án nhà ở. Tuy nhiên, với Nghị quyết 98, nhà đầu tư có các loại đất khác không phải đất ở, miễn phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất, thì được phát triển NƠXH.
“Nghị quyết 98 gỡ vướng rất nhiều các vấn đề về pháp lý đất đai, quy hoạch và chỉ tiêu quy hoạch đối với dự án NƠXH, góp phần thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển NƠXH. Hiện nay, vốn ngân sách trung hạn từ nay đến năm 2025, TP HCM chỉ bố trí được 3.800 tỷ đồng để phát triển loại hình nhà ở này”, ông Khiết đánh giá.
TP HCM đề xuất 41 dự án không đủ điều kiện làm nhà ở thương mại sang NƠXH
UBND TP HCM vừa có văn bản số 588/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi tại cuộc họp tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (lần thứ 3, ngày 27/7/2023).
Theo thông báo kết luận, đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc và thông báo cho nhà đầu tư rằng dự án không đáp ứng cơ sở pháp lý để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại.
UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư theo phương án đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong trường hợp nhà đầu tư vẫn mong muốn tiếp tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu phương án lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.
Đối với 5 dự án, gồm: dự án số 3A-3B Tôn Đức Thắng (Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Phương Nam); dự án căn hộ Lê Thành (Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành); dự án khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành (Công ty TNHH Bất động sản Tâm Đại Thành Công); dự án khu nhà ở Moonlight Centre Point (Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Tiến) và dự án khu dân cư NBB Garden III (Công ty cổ phần Địa ốc Năm Bảy Bảy), UBND TP HCM giao các sở ngành có ý kiến tháo gỡ.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND quận 8 và quận Bình Tân khẩn trương, nghiêm túc thực hiện, có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/8/2023 để tổng hợp, thẩm định trình UBND Thành phố xem xét, quyết định trước ngày 15/8/2023, không được chậm trễ.
Đối với Tổ hợp cao ốc thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ tại thửa đất số 18, bản đồ số 1, đường 3/2 (quận 11), giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung các hồ sơ, pháp lý dự án và có ý kiến khẳng định việc có hay không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án này, gửi đến Sở Xây dựng trước ngày 15/8/2023…
Về dự án Chung cư Cô Giang (quận 1), giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan khẩn trương xác định rõ phần diện tích thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất theo quy định, thực hiện trước ngày 15/8/2023.
Đối với dự án đầu tư xây dựng Khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại – dịch vụ - khách sạn – officetel tại đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Tài chính doanh nghiệp gửi ý kiến về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2023.