Thái Nguyên mời gọi đầu tư 82 dự án nhà ở xã hội
Tỉnh Thái Nguyên xác định việc phát triển nhà ở xã hội nhằm mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Qua rà soát đã lựa chọn 82 dự án, vị trí quỹ đất để thực hiện thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, thành phố Sông Công có số dự án nhà ở xã hội nhiều nhất với 35 dự án. Tiếp đến là thành phố Phổ Yên với 26 dự án, thành phố Thái Nguyên 18 dự án.
Hay huyện Phú Bình có 4 dự án gồm: Khu nhà ở xã hội số 1 Hương Sơn, Khu nhà ở xã hội số 1 Tân Hòa, Khu nhà ở xã hội xã Điềm Thụy và Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Điềm Thụy (phần diện tích 180ha)…
Trên cơ sở công bố danh mục, địa điểm dự án, vị trí quỹ đất, tỉnh này cho hay, nhà đầu tư quan tâm, làm việc với tỉnh để lựa chọn dự án, vị trí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Liên quan đến kêu gọi đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 8.000 căn hộ và nhà liền kề cho công nhân.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ tiêu của tỉnh cần hoàn thành 28.300 căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2022 - 2025 phải hoàn thành 8.800 căn, giai đoạn 2026 - 2030 phải hoàn thành 19.500 căn.
Còn UBND TP Đà Nẵng đang triển khai 6 dự án với 3.814 căn và đang lập thủ tục đầu tư để kêu gọi đầu 4 dự án có quy mô 3.451 căn. Ngoài ra, thành phố còn giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở công nhân với quy mô 460 căn.
Tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường và khoảng 40 dự án đang triển khai. Để đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị, riêng nhà ở xã hội phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Lý do là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, cần phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn. Hiện, quy trình đấu thầu vẫn còn tốn nhiều thời gian.
Nhận định về phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Riêng đối với nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất… Về quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. Hiện tại nếu chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng".
Bên cạnh đó, ông Khôi kiến nghị, các địa phương ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào các dự án để khi dự án nhà ở xã hội triển khai thì sẽ kết nối được ngay. Cần đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho giai đoạn từ năm 2024 trở đi. Nếu các địa phương không rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội, ngay trong 6 tháng cuối năm 2023 thì bước sang năm 2024 vẫn lúng túng trong việc triển khai ở xã hội cũng như nhà ở thương mại.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: "Chúng tôi kiến nghị, riêng nhà ở xã hội cần phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Bởi riêng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Chúng ta phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn. Hiện nay, quy trình đấu thầu rất tốn thời gian", ông Hà Minh Hải kiến nghị.