TP.HCM đặt tên cho 224 tuyến đường mới, trong đó có 4 tuyến đường chính khu đô thị Thủ Thiêm
Các đại biểu HĐND TP HCM khóa IX tại kỳ họp thứ 23, sáng 9/12 đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đặt tên cho 224 tuyến đường ở 13 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Sáng 9/12, kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về việc đặt tên cho 244 tuyến đường, thuộc 13 quận huyện trên địa bàn thành phố. 224 tuyến đường trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Đáng chú ý trong số này có 4 tuyến đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm được đặt tên chính thức theo các nhân vật lịch sử đó là: GT.TS, TTND, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thiện Thành; GS.NGNS Thái Ly; hai mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị So và Lê Thị Truyền (huyện Củ Chi).
Các tuyến đường khác được đặt tên như: Đại lộ vòng cung (R1) dài hơn 3,3km được đặt tên Trần Bạch Đằng là một nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà chính trị lão thành cách mạng.
Ông Trần Bạch Đằng từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).
Đường ven hồ trung tâm (R2) và một phần đường ven sông Sài Gòn (R3) dài hơn 3km được đặt tên Tố Hữu. Tố Hữu là nhà thơ nổi tiếng, từng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Ông cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đặt tên Nguyễn Thiện Thành cho đường ven sông (R3) dài gần 2,8km. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội khóa VI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quốc hội khóa VII.
4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm được đặt tên
Tên GS.TS Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu văn hoá, âm nhạc cổ truyền, được đặt cho đường dự án cống hộp Phan Văn Hân ở quận Bình Thạnh. Đường châu thổ R4 dài hơn 2,5km được đặt tên Bùi Thiện Ngộ. Ông sinh ra tại Tân Định, Sài Gòn, là Thượng tướng, Bộ trưởng Công an. Quận 2 cũng có thêm đường An Tư Công Chúa.
Theo lịch sử, tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) vua nhà Nguyên sai thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương đem 50 vạn quân đánh tiếng mượn đường sang đánh Chiêm Thành để đánh chiếm nước ta. Quân giặc tiến như vũ bão, lần lượt đánh chiếm một số cửa ải, quân ta không địch lại phải rút về Vạn Kiếp. Để làm chậm bước tiến của quân giặc, vua Trần Nhân Tông phải buộc lòng thuyết phục công chúa An Tư, là em gái út, hy sinh bản thân cho lợi ích của quân dân nhà Trần chống Nguyên năm 1285.
Nhiều tuyến đường ở quận 1, 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức... được đặt tên các danh nhân như Lưu Đình Lễ (nhân sĩ nổi tiếng đời vua Tự Đức), Bạch Đông Ôn (danh thần triều Nguyễn), Tinh Thiều (danh thần triều Lý Nam Đế), Thái Ly (giáo sư, nghệ sĩ nhân dân), Phạm Văn Ngôn (chí sĩ, nhà hoạt động yêu nước).
Trong 224 tuyến đường mới được đặt tên có hơn 170 đường ở huyện Củ Chi, chủ yếu được đặt tên của các mẹ Việt Nam anh hùng như: Phạm Thị Ba, Đỗ Thị Lời, Nguyễn Thị Gạch, Hà Thị Đát, Trần Thị Sa, Nguyễn Thị Diệp...
Trước đó qua khảo sát hiện trạng, các tuyến đường này đều đáp ứng quy định dài hơn 200 m, rộng hơn 12 của Hội đồng đặt đổi tên đường thành phố; thông tư năm 2006 của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch...
Hà Ly