TP.HCM đề xuất hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính nói gì?

09:59 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính đã nêu quan điểm chính thức trước kiến nghị của Tp.HCM lên Chính phủ và bộ ngành, liên quan hỗ trợ khẩn cấp cho người gặp khó khăn với số tiền gần 28.000 tỉ đồng từ ngân sách cùng 142.000 tấn gạo.

Theo đó, Bộ Tài Chính cho biết đã trình Thủ tướng về đề xuất Thành phố Hồ Chính Minh về việc hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền từ ngân sách và gạo cho người gặp khó khăn bởi đại dịch. 

Đối với đề nghị hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính nêu rõ đây là chính sách đặc thù do UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất. Hiện cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị địa phương chủ động sắp xếp ngân sách địa phương và có các giải pháp huy động nguồn lực xã hội và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ người dân cho phù hợp.

Trong thời gian vừa qua, Tp.HCM đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ người dân. Ảnh minh họa: Báo Người Lao động

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam sẽ tổng hợp kiến nghị từ các địa phương để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải pháp nguồn lực của ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Đối với đề xuất về hỗ trợ 142.000 tấn gạo, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Tài chính đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định. Cụ thể, giao Bộ Tài chính  (Tổng cục Dự trữ nhà nước) xuất cấp 71.104,95 tấn gạo cho UBND Tp.HCM để cấp cho 4.740.330 người lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong vòng 1 tháng. 

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã triển khai xuất 14.549,29 tấn/71.104,95 tấn (đợt 1) để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh. 

Bộ Tài chính thông tin thêm, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản ngày 25/8/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: “Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương thực hiện rà soát kỹ danh sách hỗ trợ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định về đối tượng, nguyên tắc, phạm vi hỗ trợ, có ý kiến thẩm định làm cơ sở để Bộ Tài chính cấp tiếp số lượng gạo còn lại”. 

Căn cứ vào ý kiến thẩm định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) sẽ cân đối, bố trí nguồn gạo để xuất cấp cho địa phương để hỗ trợ cho nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, mục đích và kịp thời.

TP.HCM: Tiếp tục xây dựng kịch bản hỗ trợ sau ngày 15/9

Trong chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 6.9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM đã đưa ra một loạt thông tin liên quan đến các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. 

Đánh giá về tiến độ hỗ trợ người dân, ông Mãi cho biết thành phố đã ban hành Nghị quyết 09 gồm 6 chính sách hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do. Nhưng sau đó, do tình hình thực tế, số lượng thống kê vẫn chưa đủ, thế nên Tp.HCM mới ban hành triển khai gói hỗ trợ thứ 2, mở rộng thêm đối tượng. 

Gói thứ 2 hiện chưa phát xong do tình hình của một số địa phương có nhiều nơi phong tỏa, cách ly, cán bộ chuyên trách bị F0... Thành phố dự kiến sẽ cố gắng phân phát nốt trong những ngày sắp tới. 

Tổng kết, tính đến thời điểm đầu tháng 9 thành phố đã chi gần 4.800 tỉ đồng từ ngân sách và khoảng 1.200 tỉ đồng từ xã hội hóa, tức tổng cộng khoảng 6.000 tỉ đồng cho các gói hỗ trợ. Đồng thời, TP.HCM cũng triển khai phân phát 1,6 triệu túi an sinh và gạo cho người dân khó khăn. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài thì dự kiến thành phố sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân. 

Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM thì địa phương đang dự định áp dụng hình thức hỗ trợ mới như: Tiền mặt hàng tháng cho mỗi người, mức tiền hỗ trợ hiện vẫn đang cân đối theo ngân sách, có thể ít hơn nhưng sẽ thường xuyên; hỗ trợ gạo 15kg/tháng, túi an sinh và các hình thức khác như hỗ trợ điện nước, vận động giảm tiền nhà trọ...

 

Bộ Tài chính phản hồi về đề xuất hỗ trợ ngành dệt may

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính cũng đưa ra câu trả lời về đề xuất bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với vải trong nước nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas).

Bộ cho biết, Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%, trong đó mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.

"Với quy định hiện hành, thuế suất thuế VAT đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế VAT 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế VAT 0% và được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào", Bộ Tài chính diễn giải tiếp. 

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ và không có quy định ưu đãi riêng theo đối tượng doanh nghiệp. Đối tượng chịu thuế VAT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Từ đó, Bộ kết luận rằng: Việc bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu hoặc quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng. Do doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải; đồng thời, chưa phù hợp với quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng - Bộ Tài chính giải thích thêm. 

Cuối cùng, Bộ đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ làm thủ tục hoàn thuế VAT đầu vào của sản phẩm xuất khẩu.