Ngành du lịch Quảng Bình "chết lâm sàng" giữa đại dịch Covid-19
Từ giữa năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, ngành “công nghiệp không khói” tại Quảng Bình bắt đầu “thấm đòn” vì đại dịch và rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Việc thực hiện các Chỉ thị 15 và 16 khiến các doanh nghiệp lữ hành và khu du lịch loay hoanh tìm cách sinh tồn giữa đại dịch.
Không khí ảm đảm này có thể cảm nhận rõ tại các địa điểm du lịch ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình). Là đơn vị độc lập về kinh tế nên việc không có khách khiến Vườn rơi vào tình trạng có khăn chưa từng thấy. Dù đã tìm mọi cách để mở cửa hoạt động trở lại trong nhiều thời điểm dịch lắng xuống, nhưng doanh thu cũng không đủ dề bù lại chi phí hoạt động.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (BQL), trong 6 tháng đầu năm 2021, các hoạt động du lịch, dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lượng khách tham quan đạt 92.990 lượt (đạt 50,25%,), trong đó khách trong nước 90.629 lượt (đạt 56,15%); khách quốc tế 2.361 lượt (đạt 9,98%), doanh thu tại các khu, điểm, tuyến du lịch trong Vườn Quốc gia đạt hơn 55 tỷ đồng (đạt 77,9%).
Ông Hoàng Hải Vân – Phó Giám đốc BQL Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, lượng khách đến tham quan từ đầu năm đến nay giảm mạnh, doanh thu không được như kỳ vọng khiến việc duy trì hoạt động cũng rất khó khăn. Đặc biệt, tháng 6/2021 – tháng gần đây nhất được mở cửa đón khách thì cũng chỉ có duy nhất 1 lượt khách quốc tế và hơn 3.000 lượt khách trong nước, đạt 5,7% cùng kỳ.
“Từ đầu năm khu du lịch cũng có khách tương đối ổn định, dù không bằng những năm trước đó nhưng cũng có thể gọi là có dấu hiệu khả quan. Khi đợt dịch thứ 4 bùng lên, khách tham quan cũng theo đó giảm mạnh. Đến mức cả tháng 6/2021 mà chỉ có 1 khách quốc tế”, ông Vân chia sẻ.
Ngoài ra, thời điểm Quảng Bình chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19, UBND tỉnh đã cho phép Vườn đón khách nội tỉnh, nhưng người dân dường như không mặn mà với việc đi du lịch giữa mùa dịch như hiện tại. Các homestay theo đó cũng không có khách mà buộc phải đóng cửa, không khí tại Thị trấn Phong Nha trở nên hiu hắt chưa từng thấy.
“Sau trận lũ lịch sử tháng 10/2020, các điểm du lịch bị tàn phá nghiêm trọng. Ví dụ như Suối nước Moọc, Sông Chày – Hang Tối, Động Phong Nha… cơ sở vật chất bị lũ cuốn đi hết, chúng tôi chỉ vừa khắc phục xong đầu năm 2021. Hi vọng năm mới sẽ tốt hơn, nhưng không ngờ đợt dịch thứ 4 bùng lên, khiến nhiều đơn vị khai thác liên kết với Vườn Quốc gia chịu lỗ nặng”, ông Vân cho biết thêm.
Khách du lịch không có, nhiều công ty khai thác du lịch buộc phải tạm ngừng hoạt động, dẫn tới việc sa thải hàng loạt nhân viên, không ít trong số đó là nhân viên có kinh nghiệm lâu năm. Việc sa thải nhân viên không phải dễ, vì để đào tạo ra một người lao động chất lượng, lành nghề phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng trong hoàn cảnh bỉ cực hiện tại, thì đây là điều bất đắc dĩ.
Riêng tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Vân cho biết, đơn vị đã buộc phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc. Không ít người sau khi nghỉ việc đã chuyển từ làm du lịch sang làm công nhân của nhà máy may, làm xe ôm, phụ hồ… “Dù rất buồn, nhưng thấy các anh, em tìm được việc trong thời điểm hiện tại tôi cũng bớt áy náy. Tôi hi vọng khi dịch bệnh cơ bản được giải quyết, thì có thể gọi họ quay lại làm việc”, ông Vân bộc bạch.
Là một địa điểm nổi tiếng trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, những năm không có dịch bệnh, mỗi ngày Công viên Ozo (Ozo Treetop Park) đón tiếp từ 700 – 1.000 khách tham quan. Từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Việt Nam, từ nửa cuối 2020 đến nay, lượng khách bị sụt giảm 95%.
“Như thời điểm này mọi năm trước, mỗi ngày đón cả ngàn khách. Nhưng trong tháng 6/2021, công viên chỉ đón tổng hơn 200 lượt khách. Dù đã giá giá 50% nhưng người dân vẫn không có hứng thú vì dịch bệnh đang bùng phát mạnh”, ông Lê Thành Lợi, thành viên HĐQT Công viên Ozo cho biết.
Ông Vân cho biết, trong nhiều tháng qua các đơn vị liên kết như Công ty Oxalis, Công ty Việt Hùng, Công ty Jungle Boss… đã triển khai rất nhiều chương trình giảm giá nhằm kích thích khách tham quan, nhưng mọi nỗ lực như “muối bỏ bể”, tình hình tăng trưởng khách du lịch cũng không khá khẩm hơn.
“Bây giờ đưa ra giải pháp thế nào để phục hồi lượng khách tham quan có lẽ hơi khó, vì dịch bệnh không biết khi nào mới hết, còn dịch thì người dân chắc chắn không ai mạo hiểm để đi du lịch cả. Hiện tại, các đơn vị khai thác đang cố gắng tung ra nhiều khuyến mãi để thu hút khách tham quan nội tỉnh, nhưng không có hiệu quả”, ông Vân cho hay.