TP HCM khởi động đầu tư đường Vành đai 4

Đông Bắc 16:05 | 13/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP HCM có văn bản về việc giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn).

 

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định giao Sở GTVT TP HCM chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 4  đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) với chiều dài khoảng 17 km được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sở GTVT TP HCM được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định của Luật đầu tư.

Sở Kế hoạch, Đầu tư được giao tham mưu, đề xuất UBND TP HCM triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định.

Đường Vành đai 4 (TP HCM) có chiều dài gần 200 km, dự án sẽ đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu của dự án giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ), điểm cuối kết nối tại cảng Hiệp Phước, TP HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng.

 Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 4 TP HCM. Ảnh TT.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phân chia cho các địa phương nơi có dự án đi qua trực tiếp huy động vốn để đầu tư.

Cụ thể, tỉnh Long An chịu trách nhiệm đầu tư đoạn Thầy Cai - Hiệp Phước (dài 71km); TP HCM đầu tư đoạn từ cầu vượt sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (dài 17km); Bình Dương đầu tư đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (dài 49km); Đồng Nai đầu tư đoạn từ Bầu Cạn - cầu Thủ Biên (dài 45km); Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư đoạn từ Phú Mỹ - Bầu Cạn (dài 18km).

Theo kế hoạch dự kiến đã được các địa phương xây dựng và thảo luận, dự án sẽ khởi công vào năm 2024, đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2028.

Trước đó, TP HCM cũng đã tích cực để triển khai một dự án quan trọng khác là tuyến Đường Vành đai 3 TP HCM. Dự án này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài 76km, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023.

Để thực hiện dự án này, TP HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy và Tổ giúp việc triển khai thực hiện 2 dự án thành phần thuộc dự án Đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM.

Cùng với dự án Vành đai 3 TP HCM, dự án đường Vành đai 4  là tuyến giao thông quan trọng kết nối cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, những dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách. Khi dự án này hoàn thành sẽ tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ các địa phương nó đi qua, mà tác động lan tỏa ra cả khu vực phía Nam, đồng thời kết nối vùng.

Theo nhiều chuyên gia, các dự án đường vành đai không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

Đặc biệt, những dự án vành đai quan trọng được triển khai sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành "đất vàng, đất bạc" dọc hai bên những tuyến đường này.