TP.HCM tính chuyện thí điểm mở cửa nền kinh tế tại quận 7

19:44 | 06/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãnh đạo Tp.HCM cho rằng việc "quét sạch" F0 là điều không thể, thay vào đó thành phố phải thích nghi và sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại với trạng thái bình thường mới.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Tp.PCM Nguyễn Văn Nên và UBND Quận 7 vào ngày 5/9. 

Cụ thể, quận 7 cùng huyện Củ Chi sẽ là 2 nơi thí điểm từng bước mở cửa trở lại sau khi địa phương đã công bố tình dịch bệnh được kiểm soát. 

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM thì muốn làm được thì thành phố cần đủ vaccine, thuốc chữa, tâm thế, kiến thức, có điều kiện cần và đủ để trang bị cho từng người dân là chiến sỹ để tự phòng chống dịch. Chỉ khi củng cố vững vàng hệ thống y tế vững mạnh thì mới yên tâm sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nên, thành phố phải tiếp tục kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", sản xuất phải an toàn, đảm bảo mức độ có thể.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc với quận 7. Ảnh: VTC News

Về phương án hoạt động trở lại, dự kiến từ ngày 20/9 thì Quận 7 sẽ chú trọng cho hoạt động trở lại các loại hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố trong khung giờ từ 6 giờ sáng - 18 giờ tối hàng ngày, tuy nhiên thành phố vẫn khuyến khích bán hàng và thanh toán trực tuyến. 

Điều kiện để các hộ kinh doanh hoạt động trở lại sẽ là:  tiêm vắc xin mũi 2, hoạt động "3 tại chỗ", tuân thủ 5K và hoạt động theo bộ tiêu chí do quận thẩm định. Khi đủ điều kiện sẽ được gắn bảng "hộ kinh doanh xanh". 

Hiện UBND Quận 7 đang đề xuất lên thành phố về xem xét, giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 và giảm trong quý đầu năm 2022 để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó cần duy trì các gói hỗ trợ về an sinh cho công nhân, người lao động và hỗ trợ các bộ kit test nhanh cho hộ kinh doanh khi khôi phục hoạt động trong khoảng 1 tháng đầu. 

Quận 7 cũng muốn chính quyền TP.HCM sớm  thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp có đông công nhân tạm sử dụng các khu đất công do Nhà nước quản lý để đầu tư xây dựng các khu lưu trú tạm.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế thành phố trong đó thành lập 4 tổ công tác gồm Tổ phòng, chống dịch COVID-19, Tổ công tác an sinh xã hội, Tổ công tác phục hồi kinh tế và Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư.

Đáng chú ý, Tổng công tác về kinh tế được giao  chuẩn bị nội dung, các giải pháp cho công tác phục hồi kinh tế tại thành phố trong giai đoạn từ ngày 15/9-31/12/2021 và giai đoạn năm 2022, những năm tiếp theo. Còn Tổ về thúc đẩy các dự án đầu tư có nhiệm vụ lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án đầu tư công, nhất là dự án trọng điểm, có vốn đầu tư lớn; phối hợp liên ngành giải quyết những công việc quan trọng có liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Căn cứ vào đâu mà Quận 7 công bố đã kiểm soát dịch?

Hơn 3 tháng vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội trên nhiều cấp độ khác nhau, trong đó 3 lần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trước tình hình làn sóng dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. 

Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Quận 7, xét nghiệm từ 21/8 đến 25/8 thì quận đã lấy 98.696 test nhanh và 37.575 test PCR. Qua xét nghiệm đã ghi nhận được 1.525 ca dương tính, chiếm tỷ lệ 1,11%. Giai đoạn tiếp theo từ 29/8 đến 1/9, quận đã thực hiện lấy 120.581 mẫu xét nghiệm ở vùng cam, đỏ và phát hiện 1.040 trường hợp dương tính, chiếm tỷ lệ 0,86%.

Từ 1/9 đến 3/9, qua test nhanh 8.355 mẫu vùng vàng và xanh cho thấy tại địa bàn Quận 7 chỉ phát hiện 9 ca dương tính, chiếm tỷ lệ 0,01%.

Báo cáo với Bí thư thành phố về tình trạng tử vong, ông Anh cho biết trước đây, mỗi ngày Bệnh viện dã chiến của quận chứng kiến 10 đến 12 ca tử vong. Tuy nhiên trong vòng nửa tháng trở lại chỉ ghi nhận 2-3 ca tử vong/ngày. Đặc biệt từ ngày 1/9 đến 4/9 chỉ ghi nhận 1 ca tử vong. Thông báo về tình hình tiêm vaccine, tính đến 4/9, quận đã tiêm 236.925 trường hợp, chiếm tỷ lệ 99,43%.

Quận 7 nhận định tại vùng nguy cơ hiện có 68% vùng vàng, xanh và khoảng 32% vùng cam, đỏ. Chủ tịch UBND quận này khẳng định, qua các đợt xét nghiệm, quận đã bóc tách tất cả F0 khỏi vùng xanh, vàng và đưa đi cách ly tập trung. Do đó, hiện vùng xanh và vàng của quận không có F0.

Khi nghe những con số tích cực trên, Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ sự vui mừng. Nhưng, ông nhấn mạnh  việc nới lỏng giãn cách phải từng bước chắc chắn, không được "phiêu lưu" bởi sẽ phải trả giá đắt. 

Do đó, ông đề nghị Quận 7 suy nghĩ, chuẩn bị giải pháp để thí điểm bình thường mới. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm từ thực tiễn rồi nhân rộng ra để bước từng bước chắc chắn. Chỉ đạo trong thời gian tới, Bí thư chia sẻ rằng Quận 7 nên tiếp tục thực hiện nghiêm việc đang làm là siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 một cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả, đồng thời có kế hoạch sát sao trong tiêm vaccine mũi 1, mũi 2. 

 

TP.HCM khẳng định thông tin "sống chung" với dịch từ 15/9 là không chính xác

Hiện trên mạng xã hội đang lan truyền loạt thông tin như: TP.HCM bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 bắt đầu từ 15/9; mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch; việc mở cửa có lộ trình tăng dần tỷ lệ 30-50-70%; chuyển sang điều trị Covid-19 có thu phí…

Trước tình hình đó, Tại cuộc họp báo chiều 5-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố khẳng định những thông tin này là không chính xác.  

"Mong người dân bình tĩnh, chờ những quy định được ban hành từ UBND thành phố" - ông  Hải nhấn mạnh.