TPBank báo lãi quý I hơn 1.800 tỷ, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 26% chỉ sau 1 quý

Diên Vỹ 11:50 | 27/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quý I năm nay, TPBank báo lãi tăng gần 3 lần so với quý IV/2023 trong bối cảnh chi phí lãi hạ nhiệt và ngân hàng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Đáng chú ý, dư nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn, tiếp tục tăng đáng kể.

 

Chi phí lãi hạ nhiệt và giảm dự phòng rủi ro tín dụng giúp lợi nhuận TPBank tăng vọt 3 lần 

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank  - mã: TPB) báo thu nhập lãi thuần trong quý đạt 3.427 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2023 nhưng giảm 14% so với quý liền trước.

Theo đó, trong quý I, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của TPBank ghi nhận tăng giảm gần 16% so với quý trước, đạt 6.533 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi và các chi phí tương tự ghi nhận giảm xuống 3.106 tỷ đồng từ mức 3.757 tỷ đồng hồi quý IV/2023, (chủ yếu do lãi suất huy động tiếp tục hạ nhiệt khiến khoản trả lãi tiền gửi của TPBank giảm mạnh xuống 2.131 tỷ đồng). Kết quả, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng này - trong quý ghi nhận giảm 14% so với quý IV/2023.

Về nguồn thu ngoài lãi, một điểm sáng là trong kỳ, TPBank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 715 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với mức thực hiện chỉ 114 tỷ đồng của quý liền trước. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng đáng kể lên 475 tỷ đồng, gấp gần 15 lần quý IV/2023.

Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ đạt vỏn vẹn 83 tỷ đồng, giảm mạnh 76% so với quý liền trước. Ngoài ra, ngân hàng cũng ghi nhận khoản lỗ thuần từ hoạt động khác hơn 16 tỷ đồng.

Kết quả, trong quý I/2024, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 4.685 tỷ đồng. Trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của TPBank trong quý I vừa qua đạt 3.009 tỷ đồng, giảm 29%. 

Quý này, TPBank dành 1.181 tỷ đồng khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 34% so với quý IV/2023. Lãi trước thuế do đó đạt 1.829 tỷ đồng, tăng 2,9 lần. Lãi sau thuế đạt 1.462 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.

Nợ có khả năng mất vốn liên tục tăng 

Cũng theo báo cáo tài chính quý I vừa công bố, tính đến 31/3/2024, dư nợ cho vay khách hàng tại TPBank đạt 200.829 tỷ đồng, giảm 2% so với thời điểm cuối năm 2023.

Đáng chú ý, dư nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3, 4 và 5) tại thời điểm cuối quý I đã tăng lên gần 4.484 tỷ đồng từ mức 4.200 tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng khoảng 6,8%.

Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) ghi nhận giảm hơn 4% xuống 1.586 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 5% lên 1.495 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt gần 26% lên 1.403 tỷ đồng chỉ sau một quý.

 Mặc dù tổng dư nợ xấu hai quý gần nhất của TPBank đã cải thiện so với mức đỉnh hồi cuối quý III/2023, dư nợ nhóm 5 vẫn cho thấy xu hướng liên tục tăng kể từ cuối năm 2022 đến nay. Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của TPBank tính đến 31/3/2024 cũng tăng lên 2,23% từ mức 2,05% vào cuối năm ngoái và mức 1,45% cùng kỳ 2023.

 Tỷ lệ nợ xấu tại TPBank cuối quý I/2024 đang ở mức 2,23%, giảm đáng kể so với đỉnh 2,97% nhưng vẫn tăng so với quý IV/2023 và cùng kỳ 2023. Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC.

Trong bối cảnh dư nợ xấu ghi nhận tăng đáng kể sau một quý, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại TPBank chỉ tăng khoảng 1%, lên 2.701 tỷ đồng từ mức 2.674 tỷ đồng vào đầu năm. Tỷ lệ bao nợ xấu do đó giảm xuống 60% từ mức 64% hồi đầu năm và mức 84% cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong suốt thời gian qua, tỷ lệ bao nợ xấu tại TPBank liên tục sụt giảm và hiện đã lùi rất xa tỷ lệ bao nợ xấu 135% hồi đầu năm 2023.

Về phía huy động, tính đến 31/3/2024, TPBank ghi nhận tiền gửi khách hàng đạt 190.827 tỷ đồng, giảm 8,4%.