TPHCM sẽ thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19 cho người tiêm 1 mũi vaccine
Chiều 18/9, Sở Y tế đã họp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm thống nhất quan điểm tham mưu với UBND TP về triển khai thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.
Theo đó, quan điểm của Ngành Y tế như sau:
Triển khai thí điểm thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tham gia tiêm chủng vắc xin, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm trong thời gian qua. Do đó, kế hoạch này cần tiếp tục được hoàn thiện để triển khai thí điểm trong giai đoạn sắp tới.
Thẻ xanh Covid-19 được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly. Người có thẻ xanh Covid-19 sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng.
Về điều kiện được cấp thẻ xanh, Sở Y tế đề xuất chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin được 2 tuần hoặc F0 có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã thị trấn cấp. Tuy nhiên, người có thẻ xanh Covid-19 không đồng nghĩa với xác nhận sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, do vậy phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm theo quy định.
Về hình thức, Sở Y tế kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ là thẻ xanh Covid-19 và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp trên ứng dụng Y tế TP.HCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo đã tiêm vắc xin, cùng với tích hợp kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. Trên ứng dụng thể hiện rõ đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi. Khởi đầu, sẽ triển khai thí điểm trên địa bàn quận 7 để đánh giá tính hiệu quả trước khi nhân rộng.
Chia sẻ từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), để có chứng nhận nhiễm COVID-19 "đã khỏi bệnh", người từng nhiễm (F0) phải được xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.
Thực tế ghi nhận trong giai đoạn tháng 7, 8 khi số ca bệnh gia tăng, ngành y tế thành phố quá tải, có nhiều trường hợp người dân tự test nhanh dương tính, báo với y tế địa phương nhưng không được nhân viên y tế đến nhà ghi nhận. Những người này sau đó tự điều trị khỏi bệnh. Họ đang gặp khó trong việc chứng minh từng mắc bệnh với địa phương để được cấp giấy chứng nhận.
HCDC chia sẻ, các F0 tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà mà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn, thì cần giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà. Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm nhân sự do các trường đại học y khoa, do các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.
Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Các trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc COVID-19 thì cần phải tiêm vaccine. Dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K.
Dự kiến, "thẻ xanh COVID" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thể hiện cá nhân đó đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Đối với loại vaccine tiêm 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...): 14 ngày sau mũi thứ 2 và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.;
Đối với vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi (Johnson & Johnson's Janssen...): 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc;
Người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh;
Người nhiễm SARS-CoV-2, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh thì phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì buổi họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh, từ sau ngày 15/9, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, ưu tiên mở cửa một số ngành hàng, lĩnh vực cần thiết theo lộ trình, cụ thể:
Giai đoạn từ ngày 1/10 – 31/10, thành phố nới lỏng giản cách xã hội, từng bước triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả theo đánh giá mức độ nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine.
Giai đoạn từ 01/11 – 15/1/2022, thành phố tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả và phấn đấu đưa thành phố hoạt động ở trạng thái bình thường mới sau ngày 15/1/2021.
Tuy nhiên, trước mắt, từ 16/9 – 30/9, thành phố sẽ thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội, ưu tiên mở một số lĩnh vực theo lộ trình mở cửa lại hoạt động kinh tế với các địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7… với mức độ nới lỏng, mở cửa từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch của từng ngành, lĩnh vực để từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh những vẫn đảm bảo phòng ngừa, kiểm soát dịch.
Đặc biệt, nghiên cứu, từng bước triển khai thí điểm "thẻ xanh COVID" với nhiều cấp độ và điều kiện riêng.