Triển khai TFA giúp tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu
Tại cuộc họp báo chuyên đề triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) chiều 22/8, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết, Hiệp định TFA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017 sau khi được 110/164 quốc gia thành viên WTO phê chuẩn. Theo báo cáo thương mại thế giới 2015, việc thực hiện đầy đủ TFA có thể giúp giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. TFA cũng giúp tiết kiệm 1,5 ngày thông quan hàng nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm 91% so với mức trung bình hiện tại.
Theo quy định của Hiệp định, các biện pháp kỹ thuật (cam kết) về nghĩa vụ của các nước thành viên dựa trên cơ sở rà soát thực tiễn quản lý của các quốc gia này được phân thành ba nhóm cam kết, gồm: Cam kết Nhóm A – thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, cam kết Nhóm B – thực hiện sau một thời gian quá độ sau khi Hiệp định có hiệu lực, và cam kết Nhóm C – cần một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, 15 cam kết Nhóm A đã được Việt Nam thông báo cho WTO tháng 7/2014, 14 cam kết Nhóm B và chín cam kết Nhóm C đã được Phái đoàn Việt Nam tại WTO thông báo cho WTO vào ngày 2/8 vừa qua.
Việt Nam sẽ cần thời gian chuyển đổi từ 3 đến 5 năm và cần thêm sự hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các cam kết Nhóm B và C, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Bà Nga cho biết, TFA với những nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật sẽ tạo động lực thúc đẩy các hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho các quốc gia thành viên WTO, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
“Việc tham gia TFA và triển khai các cam kết theo Hiệp định sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách cải cách thủ tục hải quan, đơn giản và chuẩn hóa, tăng cường tính minh bạch trong quy trình thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bước đầu xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh những cơ hội mang lại, TFA cũng đặt ra những khó khăn thách thức trong bối cảnh năng lực đội ngũ và trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách theo nội dung TFA. Bên cạnh đó, yêu cầu cải cách thủ tục liên quan đến thương mại tại biên giới đòi hỏi sự tham gia không chỉ của cơ quan hải quan mà cả sự tham gia của các cơ quan quản lý chuyên ngành để tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại. Để cơ chế này hoạt động hiệu quả là một thách thức trong điều kiện mức độ đồng bộ hóa về cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như năng lực đội ngũ cán bộ của mỗi cơ quan khác nhau.
Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế khẳng định, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực thi Hiệp định, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng các nghĩa vụ cam kết theo Hiệp định, đặc biệt là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhằm cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tối ưu hóa các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro; thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành…