“Trùm” ngành trang sức PNJ làm ăn ra sao giữa đại dịch COVID-19?

12:25 | 23/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quý III/2021 là quý đầu tiên PNJ báo lỗ kể từ khi công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán. Ban lãnh đạo PNJ cho biết, trong quý III, công ty đã mất 77% tổng thời gian kinh doanh, dẫn đến những thiệt hại lớn về tài chính.

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa công bố số liệu kinh doanh tháng 9 với doanh thu đạt 226 tỷ đồng, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 48 tỷ đồng – lỗ 3 tháng liên tiếp.

Nếu tính cả quý III, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 877 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế âm 158 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên PNJ báo lỗ kể từ khi công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, kết quả này đã được dự báo trước khi phần lớn cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam phải đóng cửa trong quý III để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Dịch COVID-19 khiến nhiều cửa hàng của PNJ phải tạm thời đóng cửa

Ban lãnh đạo PNJ cho biết, trong quý III công ty mất đến 77% tổng thời gian kinh doanh, do đó dẫn đến những thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Tính đến ngày 30/9, mới có 149/336 cửa hàng của hệ thống bán lẻ trang sức này được mở cửa trở lại theo quy định của Chính phủ và cơ quan chức năng.

Tính trong 9 tháng năm 2021, PNJ đã ghi nhận 12.514 tỷ đồng doanh thu thuần, vẫn tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 60% kế hoạch cả năm 2021. Tuy vậy, do 3 tháng thua lỗ liên tiếp, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của doanh nghiệp này chỉ đạt 576 tỷ đồng, giảm 10% và tương đương 47% kế hoạch cả năm.

Đóng góp chính vào doanh thu của PNJ trong 9 tháng vừa qua vẫn là kênh bán lẻ với 7.158 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ, mặc dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh từ cuối quý II đến hầu hết quý III. Số doanh thu này cũng chiếm 57,2% tổng doanh thu hợp nhất của PNJ trong kỳ.

Trong khi đó, doanh thu bán sỉ trong trong giai đoạn này ghi nhận giảm hơn 6% và thu từ vàng miếng tăng 13%, lần lượt đóng góp 13,8% và 26,6% vào tổng doanh thu hợp nhất.

Trong tháng 9, biên lợi nhuận gộp của PNJ cũng đã giảm xuống còn 16,2%, thấp hơn mức 19,9% của cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng, tỷ lệ lãi gộp trên doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 18%, cũng thấp hơn mức 18,8% của cùng kỳ.

Đại diện PNJ thông tin trong 2 tuần đầu tháng 10, đã có 94% số lượng cửa hàng bán lẻ của PNJ trên toàn quốc đã quay trở lại kinh doanh. Riêng khu vực trọng điểm là TP.HCM cũng đã ghi nhận 93% số cửa hàng mở cửa trở lại.

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng 9 tháng năm 2021, PNJ vẫn mở mới 14 cửa hàng PNJ Gold, đóng 17 cửa hàng PNJ Silver và 1 cửa hàng CAO. Như vậy, số điểm bán thực tế của PNJ đến nay là 336 cửa hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hệ thống giao hàng online và vận hành các cửa hàng không bị ảnh hưởng do chính sách giãn cách xã hội ở một số địa phương.

Theo dự báo của các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI, sau khi mở cửa hoạt động trở lại, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PNJ trong năm nay sẽ lần lượt là 17nghìn tỷ đồng và 971 tỷ đồng, giảm 2% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bước sang năm 2022, các chuyên gia SSI dự báo kết quả kinh doanh của PNJ sẽ bật tăng trở lại với doanh số có thể tăng 18% so với năm nay và lợi nhuận có thể tăng 39%.

Còn theo phân tích từ các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, tập khách hàng của PNJ chủ yếu là nhóm đối tượng có thu nhập trung bình cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Do đó, nhóm này cũng sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch hơn. Điều này sẽ giúp PNJ có lợi thế cạnh tranh để phục hồi khi tác động của dịch COVID-19 giảm dần.

Ngoài ra, VCSC còn cho rằng, đại dịch cũng giúp PNJ có thể mở rộng mạng lưới cửa hàng tại những địa điểm mặt bằng tốt với giá thuê tốt hơn so với trước đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/10, cổ phiếu PNJ đang ở mức 99.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1.02% so với phiên giao dịch này hôm qua. Sau khi rớt giá mạnh trong 2 tháng 7 và 8, cổ phiếu PNJ đang hồi mục trở lại, tính từ đầu tháng 9 đến nay đã tăng hơn 15%.

Chân dung Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1959 tại thành phố Quảng Ngãi trong một gia đình làm kinh doanh lâu đời. Tuy được sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng bà Dung vẫn phải tham gia lao động và trải qua những khó khăn trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Chính sự ảnh hưởng từ gia đình nên ngay từ nhỏ bà đã luôn có đam mê với công việc kinh doanh.

Năm 1979, bà thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1982, bà tốt nghiệp hệ cử nhân Kinh tế thương nghiệp tại đây. Sau khi tốt nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Phú Nhuận. Nhờ sự nỗ lực trong công tác mà bà được đề bạt giữ chức phó phòng tại công ty từ năm 1984 đến năm 1985.

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung

Đến năm 1985, bà chuyển sang công ty Nông sản và thực phẩm quận Phú Nhuận với vai trò trưởng phòng kế hoạch. Trong khoảng thời gian công tác, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được đồng nghiệp cũng như cấp trên yêu mến. Đến năm 1988, Cao Thị Ngọc Dung được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận.

Bà được cho là nhà lãnh đạo đi đầu trong việc học hỏi công nghệ, kỹ năng từ các nước phát triển. Năm 1995, bà đã thuê chuyên gia nước ngoài từ hội đồng vàng thế giới để giúp PNJ nắm bắt những công nghệ mới. Đến năm 2006, bà đã mời giám đốc sáng tạo công ty Richard Moore Asociate – Richard Moore về PNJ nhằm giúp xây dựng thương hiệu trang sức cao cấp.

Bà trở thành Giám đốc của công ty khi tài sản vỏn vẹn chỉ 7,4 lượng vàng. Nhưng PNJ giờ đây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đại chúng biết đến, niêm yết trên sàn chứng khoán, có tổng tài sản hoạt động hơn 2.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 1992 đến 1997, bà còn tham gia vào ban lãnh đạo của ngân hàng Đông Á với chức vụ Chủ tịch HĐQT. Vào năm 2003 đến năm 2013, bà đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT công ty cổ phần địa ốc Đông Á. Năm 2005 đến năm 2001, bà vinh dự đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT CTY cổ phần năng lượng Đại Việt.

Trong suốt 13 năm từ 2004 đến 2016, bà giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Cũng trong năm 2016, bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất ở khu vực châu Á.